Say đắm điệu múa Bát của người Tày

Đến với các bản làng người Tày, chúng ta không chỉ say lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng ẩn hiện sau màn sương mờ ảo; được thỏa mắt ngắm nhìn những nếp nhà sàn truyền thống – nơi có những cô gái Tày thướt tha trong bộ quần áo chàm… mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày nơi đây. Ở đó, chúng ta sẽ được đắm chìm trong không gian âm nhạc của đồng bào Tày với những làn điệu dân ca, dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó có điệu múa Bát đầy vui nhộn, quyến rũ.

Múa Bát đã được đồng bào Tày lưu truyền qua nhiều thế hệ hàng trăm năm nay. Điệu múa Bát nhằm mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của đồng bào Tày từ xa xưa. Bà Hoàng Thị Phục, thôn Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn, thành viên Câu lạc bộ dân ca xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) cho biết, điệu múa Bát được dàn dựng dựa trên những câu hát mà các cụ để lại: “Ai ươm tơ công trình bao tháng nay mới nên tơ vàng/Áo may dịu dàng sáng tươi, vui kiến thiết đời”. Thông qua điệu múa nhằm mô phỏng lại các động tác ươm tơ thủ công của bà con từ xưa. Chiếc bát dùng để ươm tơ, nén tơ (tơ tằm), còn đôi đũa thực chất để khuấy đều tơ tằm được nén trong bát. Các chị em phải đảo đều tay để cho những sợi tơ cuốn vào chiếc đũa. Động tác cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có đủ sợi tơ để dệt vải.

Múa Bát tại chợ quê, xã Phúc Sơn (Chiêm Hoá)

Đạo cụ thể hiện điệu múa Bát là chiếc bát, đôi đũa được bà con dùng trong bữa ăn hàng ngày. Nhịp điệu và các động tác múa Bát không khó, không cầu kỳ để bất cứ ai, từ già đến trẻ có thể tham gia nên có sức lôi cuốn rất lớn đối với cộng động. Số lượng người múa thông thường từ 6 -8 đến người và độ dài, ngắn tùy thuộc vào người dựng. Tuy nhiên, để điệu múa tạo ấn tượng thì cần sự chính xác, khéo léo, phối hợp giữa tay, chân nhịp nhàng. Nhịp điệu lúc múa nhanh lúc chậm kết hợp cùng các động tác rung, lắc cổ tay tạo ra màn diễn vừa vui nhộn, vừa đẹp mắt. Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những phụ nữ về những nhọc nhẳn của họ trong việc ươm tơ, dệt vải. Thông qua đó còn thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân về một cuộc sống đủ đầy, không chỉ là ăn ngon mà con mặc đẹp.

Hiện nay, điệu múa Bát vẫn được đồng bào Tày biểu diễn trong các ngày lễ, Tết hay phiên chợ vùng cao. Tất cả các động tác múa dù đã được cách điệu hóa nhưng thực chất là mô phỏng các động tác trong toàn bộ quá trình ươm tơ, quay sợi, dệt vải nên có sức lôi cuốn với đồng bào dân tộc. Với nhịp điệu vừa vui nhộn, vừa say đắm, múa Bát không đơn thuần mang tính giải trí mà còn góp phần cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân tiếp tục hăng say lao động, sản xuất, duy trì nghề truyền thống để dệt nên những vuông thổ cẩm làm đẹp cho đời.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục