Cúng mát nhà đầu xuân của đồng bào Tày Chiêm Hóa

Trong số các địa phương trong tỉnh, Chiêm Hóa là huyện có đông đồng bào Tày sinh sống thành từng làng bản. Đối với người Tày Chiêm Hóa sau khi ăn rằm tháng Giêng xong, nhà nhà đều xem ngày tốt để làm lễ cúng mát nhà, hy vọng một năm hanh thông với gia chủ.

Nếu nhà nào vì lý do gì đó mà chưa thể làm lễ cúng mát nhà thì tinh thần vẫn nặng trĩu, chưa được tự tin, thoải mái trong làm ăn, băn khoăn nhiều điều. Chính lý do tín ngưỡng tâm linh đó mà từ xa xưa các cụ người Tày đã truyền cho con cháu tục lệ này, trở thành nét văn hóa không thể thiếu.


Thầy Then Phương Văn Mười đang thực hiện nghi lễ cúng mát nhà cho một gia đình người Tày ở thôn Lang Chang, xã Hòa Phú, Chiêm Hóa.

Người Tày có rất nhiều lễ cúng, nhưng cúng mát nhà đầu năm được xếp vào việc quan trọng của năm, cần phải làm. Tuy nhiên việc cúng bái liên quan đến đường âm, thần linh thì phải thông qua người thầy cúng cao tay hay còn gọi là thầy Then. Chỉ có thầy Then được cấp sắc có đủ uy tín mới có thể hóa giải được vấn đề này.

Bà Hoàng Thị Huệ, dân tộc Tày, thôn Lang Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho biết, năm nào gia đình cũng tổ chức lễ cúng mát nhà đầu xuân. Đầu tiên là việc gia chủ đến nhà thầy cúng xem ngày tốt. Ở Chiêm Hóa, mỗi dòng họ người Tày lại có một thầy cúng cầm đầu ma, nên thầy cúng nắm khá chắc các thành viên của dòng họ. Việc một gia đình “thuận buồm xuôi gió” cũng ảnh hưởng đến kết quả chung của dòng họ. Ngược lại, nếu một gia đình nào đó gặp ốm đau, hoạn nạn thì cả họ cũng không thể vui được, nhiều điều lo lắng. Qua đó mới thấy tính cộng đồng trong dòng họ người Tày rất cao. Trước ngày diễn ra lễ cúng, gia chủ đi mời anh em họ hàng, làng xóm láng giềng đến dự bữa cơm thân mật. Anh em nội ngoại tộc đến sớm hơn giúp gia đình các công việc liên quan đến lễ cúng, làm cỗ, mời khách. Chuẩn bị đến gần giờ đẹp để cúng, gia chủ cử một thanh niên trai tráng đi đón thầy về làm lễ.

Trước ban thờ thần linh, tổ tông ở gian chính giữa của ngôi nhà gia chủ trải mấy chiếc chiếu dưới nền để bầy mâm lễ cho thầy cúng. Mâm cúng không thể thiếu gà luộc, xôi ngũ sắc, hoa quả, rượu trắng, muối, gạo, vàng hương, giấy màu, lọ nước và vài cành lá cây. Ông Phương Văn Mười, dân tộc Tày, 94 tuổi là thầy cúng cao tay của dòng họ Hoàng thôn Lang Chang, xã Hòa Phú khẳng định, cúng mát nhà là lễ cúng quan trọng của người Tày, hầu hết các gia đình đều làm, thời điểm làm đẹp nhất là đầu xuân mới. Lễ cúng trải qua nhiều giai đoạn như cúng trong nhà, cúng ngoài cửa, cúng ngoài sân. Thầy cúng dùng cành cây vẩy nước ra 4 hướng nhà làm phép “tẩy uế khai quang”, mời rượu thánh thần. Tiếp đó gieo đồng xu âm dương xin “lộc tốt” cho gia chủ. Thầy vãi muối trắng, rượu, gạo ra xung quanh nhà nhằm xua đuổi những điều không tốt trong năm qua, cầu mong cho năm mới gặp nhiều may mắn, hanh thông.

Từ nghi lễ mang tính tâm linh cao, cúng mát nhà trở thành phong tục truyền thống của đồng bào Tày Chiêm Hóa. Chị Ma Thị Lan, dân tộc Tày thôn Làng Mới, xã Hòa An (Chiêm Hóa) mới lấy chồng làm nhà ra ở riêng. Chị bảo, cũng học ông bà, bố mẹ làm lễ cúng mát nhà. Ngoài lễ cúng cũng là dịp tốt để mời anh em họ hàng, làng xóm ăn bữa cơm thân mật. Chỉ khi lễ cúng suôn sẻ hoàn thành, chị và các thành viên của gia đình mới có tâm lý thoải mái, an tâm trong mọi công việc. Qua lễ cúng thầy Then báo cáo ước vọng, tấm chân tình, lòng thành của gia chủ với các vị thần linh, tổ tông để được phù hộ độ trì sức khỏe, mùa màng, chăn nuôi.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục