Chiêm Hóa bảo tồn nhà sàn

Huyện Chiêm Hóa có 120 nghìn dân, trong đó hơn 60% là đồng bào dân tộc Tày. Từ xưa đến nay, ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào nơi đây đã trở thành bản sắc tiêu biểu của huyện.


5 ngôi nhà sàn thôn Bó Củng, xã Kim Bình được huyện hỗ trợ xây mới, tạo cảnh quan cho khu di tích.
 

Nhiều năm trước, xuống đến các xã trên địa bàn, tỷ lệ nhà sàn chiếm 70 - 80%. Có những làng, nhà sàn quần tụ dưới chân đồi hướng mặt ra thung lũng cánh đồng rất đẹp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó do khan hiếm nguồn gỗ mà tỷ lệ nhà sàn giảm dần. Trước thực trạng đó, huyện Chiêm Hóa đã rà soát, lập quy hoạch bảo tồn một số làng văn hóa du lịch, mà ở đó còn nhiều nhà sàn.

Ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình cho biết, từ năm 2016 đến 2018 huyện đã triển khai Đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch homestay tại thôn Bó Củng. Theo đó, huyện thực hiện quy hoạch khu dân cư phía trước Quảng trường Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Có 5 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ 250 triệu đồng để làm nhà sàn truyền thống và mua sắm một số vật dụng mang bản sắc dân tộc Tày địa phương. Các nhà sàn được làm theo hình thức cột bê tông cốt thép, trên lợp ngói đỏ, tường bưng bằng gỗ. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, được nhân dân, khách du lịch đánh giá cao ý nghĩa của công trình. Cảnh quan khu di tích đẹp hơn. Các gia đình còn được hướng dẫn làm dịch vụ homestay, đến nay đã phát huy hiệu quả.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà sàn của ông Sằm Văn Chu, dân tộc Tày, thôn Bó Củng. Căn nhà nằm trên một địa thế đẹp, hướng nhìn ra Quảng trường Kim Bình. Ông Sằm Văn Chu nói, đến mơ tôi cũng không nghĩ mình làm được căn nhà đẹp như thế này. Tổng giá trị căn nhà của ông là 600 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, ông còn phải đầu tư thêm 350 triệu đồng. Trước khi làm nhà, các hộ thống nhất cao việc đổi đất để lấy mặt bằng đủ rộng làm nhà sàn. Mỗi nhà nhường nhau một chút, giờ nhìn tổng thể nhà nào cũng đẹp. Có căn nhà đẹp, ông Chu làm thêm dịch vụ homestay đón khách. Căn nhà rộng rãi, mát mẻ làm theo lối truyền thống khiến du khách thích thú. Ở ngay gần đó, ông Ma Văn Hưng cũng dựng một ngôi nhà sàn theo mẫu của huyện. Ông Hưng chia sẻ, đã là người Tày ai cũng thích ở nhà sàn, bởi đây là “hồn cốt” của dân tộc, bản sắc của địa phương. Mấy năm trước, khu vực này xuất hiện một loại nhà ống xây cấp 4 gây lo ngại cho mỹ quan của khu di tích. Chính sự quyết tâm của huyện, xã và sự đồng thuận của người dân mà đề án bảo tồn nhà sàn thôn Bó Củng đã thành công, là mô hình điểm để các các thôn trong xã học tập. 

Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, huyện đã quy hoạch một số làng còn nhiều nhà sàn, có cảnh quan đẹp để phát triển du lịch homestay. Trong đó có điểm dừng chân Đèo Gà có thể xây dựng làng văn hóa du lịch thôn An Phú, xã Tân Thịnh; làng Đẩu xã Hòa Phú. Ngoài ra còn có thôn Tân Hợp, xã Tân An; thôn Bản Ba, xã Trung Hà; thôn Bó Củng, xã Kim Bình; thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ; thôn Tầng, Biến, xã Phúc Sơn. Tháng 7 vừa qua, huyện đã tổ chức cho 36 người đại diện cho các hộ đi tham quan, học hỏi việc làm du lịch homestay ở Làng văn hóa du lịch Hạ Thành (dân tộc Tày), xã Phượng Đô, Tp Hà Giang; Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm (dân tộc Dao), huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Qua chuyến đi, các hộ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong làm du lịch homestay và có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị ngôi nhà sàn của mình.

Ông Ma Công Hùng, thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà bày tỏ, chuyến đi tham quan cách làm du lịch homestay ở Hà Giang do huyện tổ chức rất bổ ích. Gia đình ông đã học thêm được kinh nghiệm làm du lịch homestay, trong đó phải chú trọng việc giữ gìn và bảo tồn được ngôi nhà sàn. Hiện gia đình ông đã tiến hành tu sửa, chỉnh trang ngôi nhà sàn để đón khách du lịch khi đến tham quan danh thắng thác Bản Ba.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, các xã, thôn, bản tuyên truyền đến người dân ý thức bảo tồn những ngôi nhà sàn. Đồng thời, khuyến khích người dân làm nhà sàn truyền thống. Những nơi không có gỗ, nguyên liệu, chuyển sang làm nhà sàn cột bê tông cốt thép giả gỗ. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Chiêm Hóa đang diễn ra từng ngày, việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, trong đó có kiến trúc nhà sàn luôn được huyện chú trọng thực hiện.

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục