Tiên phong phát triển xanh

Là người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường, khi trở về đời thường, ông lại tất bật với kế mưu sinh, làm giàu. Những loại cây, con ông chọn nuôi trồng đều là giống quý, đem lại giá trị kinh tế cao. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Văn Hệ, thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa).

Đi ngược số đông

Từ thị trấn Vĩnh Lộc, đi chừng chục kilomet, chúng tôi đến trang trại của người cựu binh Nguyễn Văn Hệ. Thấy khách đến, ông dừng tay thái cỏ, đon đả mời khách vào nhà. Câu chuyện làm giàu của người cựu binh như đượm hơn với hương vị trà thơm ngọt.

Ông Hệ là lính trinh sát tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ các cứ điểm giáp biên của huyện Quản Bạ (Hà Giang) những năm 1986 đến năm 1990 phục viên. Ngay khi trở về quê, ông được điều động về Huyện đội Chiêm Hóa làm nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên. Cuộc sống ngày đó nghèo đói, thiếu thốn muôn trùng. Bởi vậy, hễ có ngày nghỉ không huấn luyện, ông lại cùng vợ lên rừng khai hoang đất đai trồng sắn, ngô tăng thêm lương thực cho gia đình.

Ông Hệ có kinh nghiệm 20 năm nuôi hươu lấy nhung.

Đưa chúng tôi tham quan một vòng rừng quế, dó bầu, ông Hệ bồi hồi nhớ lại: “Hồi ấy khu rừng này chỉ toàn cây guột, cây mua mọc tua tủa, đan xen, làm vất vả lắm. Vợ chồng tôi phát cật lực một ngày cũng chỉ được khoảng 500 m2. Khu rừng 7 ha này, vợ chồng tôi khai phá trong vòng 3 năm mới hoàn thiện”.

Trước đây, mảnh đất này, vợ chồng ông trồng sắn, ngô, nhưng 2 cây đó làm mãi không dư được, ông quyết định chuyển đổi cây trồng. Ông Hệ “cơm nắm cơm đùm” đi về các tỉnh vùng xuôi tìm giống cây mới, rồi tìm tòi, học hỏi trên sách, báo, Internet kỹ thuật chăm sóc. Hai loại cây được ông chọn trồng là cây quế và cây dó bầu. Diện tích đất của nhà rộng, giá cây giống lại cao, trong khi tiền của vợ chồng ông tích cóp có hạn, không đủ để mua cây giống phủ kín vườn, ông bèn nghĩ kế liên doanh với hộ sản xuất cây giống ở cùng địa phương trồng cây dó bầu ăn chia.

Tôi hỏi: “Hồi ấy, nhà nhà trồng mỡ, người người trồng keo, lý do gì ông lại chọn 2 loại cây cực mới, không ai trồng, giá cây giống cao, thời gian sinh trưởng dài hơn rất nhiều so với các loại cây khác?”. Ông Hệ cười tươi nói: “Tôi chọn cho mình một lối đi riêng. Bởi tôi nghĩ, làm kinh tế nếu cứ đi theo số đông, thì không thể giàu được”.

Câu chuyện đi ngược số đông không chỉ trong trồng cây quế, dó bầu, ông Hệ còn biết đến với mô hình nuôi hươu lấy nhung. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở địa phương nuôi con vật này. Bởi, trước nay, người ta chỉ nuôi trâu, bò, lợn, chứ ai nuôi hươu bao giờ nhưng ông vẫn cứ làm và hiệu quả bất ngờ. Đến nay, ông Hệ đã có hơn 20 năm gắn bó với con hươu.

Ông mở tủ lạnh lấy cho chúng tôi xem 2 cặp nhung hươu tươi rói vừa cắt mấy hôm trước. Tay giơ cặp nhung hươu, ông Hệ hào hứng giới thiệu: “Nuôi hươu khoảng 2 năm là lấy được nhung. Bình quân một con hươu trưởng thành, mỗi năm thu khoảng 7 lạng nhung. Với giá bán hiện nay, mỗi năm cũng được ngót 20 triệu đồng/cặp”. Hiện nay, trang trại của gia đình ông Hệ còn 1 cặp hươu sinh sản. Ngoài ra, ông còn liên kết với một đồng đội nuôi 8 con hươu tại Hà Giang.

Phát triển kinh tế xanh

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Hệ có diện tích hơn 7 ha, trong đó có hơn 6 ha trồng cây quế, gần 1 ha cây dó bầu, khu trồng cỏ, ao cá và khu chuồng trại chăn nuôi trâu, hươu sinh sản. Dưới tán rừng, ông nuôi ong lấy mật, trồng cây dược liệu. Xung quanh trang trại được ông phủ kín bằng những trụ mây xanh tốt. Mô hình phát triển theo hướng lấy ngắn nuôi dài, tạo ra vòng tuần hoàn trong chuỗi nuôi trồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hệ chăm sóc đàn trâu tại trang trại.

Ông Hệ chia sẻ: Trâu, hươu sinh sản, phân trâu được khai thác bón cây và nguồn thu từ cây đầu tư chăn nuôi. Vì vậy, trang trại của gia đình ông không bao giờ phải mua phân hóa học”.  

Ông phấn khởi khoe: “Vườn quế, dó bầu nhờ được bón phân trâu phát triển tốt lắm, rút ngắn chu kỳ khai khác từ 10 năm xuống còn 8 năm so với các hộ khác trồng cây này.  Hiện, vườn quế đã đến kỳ khai thác, ước thu trên 1 tỷ đồng. Đây là kỳ khai thác thứ 2, kỳ đầu gia đình tôi thu vườn quế được trên 1 tỷ, thu trầm từ dó bầu được trên 700 triệu”.  

Để có được thành công như hôm nay, ông Hệ đã trải qua nhiều chông gai, thất bại cùng những đêm thức trắng nghiên cứu tài liệu. Ban đầu, khi ông mới đưa hươu về nuôi, do chưa có kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, hươu nuôi mãi không sinh sản, hoặc đẻ ra chết con. Vậy là ông lại khăn gói đi về các trại nuôi hươu học tập kinh nghiệm, vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Phải mất 5 năm, ông mới thực hiện thành công mô hình nuôi hươu lấy nhung. Thời điểm cao nhất, gia đình ông có 14 con hươu, thu nhập bình quân từ bán nhung, hươu giống đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Hay chuyện nuôi bò cũng thế. Tiền ông đầu tư xây dựng trang trại, tiền mua 20 con bò giống, mua cám, mua cỏ... cũng ngót tỷ bạc. Ấy thế mà khi ông nuôi lớn, bán giá rẻ như cho. Vợ chồng ông đành ngậm ngùi bán tháo, gỡ lại chút ít vốn đã bỏ ra.

Ông Hệ bảo: “Với tôi tất cả những khó khăn đó như một thử thách, rèn luyện chính mình, như lời Bác Hồ đã từng nói: “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Bởi vậy: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, cái gì mình chưa làm được phải nỗ lực”.

Sự kiên định, nỗ lực không ngừng nghỉ, người cựu binh Nguyễn Văn Hệ đã phát triển thành công mô hình tổng hợp khép kín. Hiện, ông là thành viên tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu sinh sản của Hội Nông dân xã Phúc Thịnh, gương sáng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của huyện Chiêm Hóa. Năm 2016, ông được Báo Tài nguyên và Môi trường biểu dương tấm gương tiêu biểu vì sự nghiệp bảo vệ môi trường tại Chương trình doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ phát triển kinh tế xanh bền vững.

Theo TQTĐ

Tin cùng chuyên mục