Vinh Quang: Diện mạo mới, sức sống mới từ thay đổi tư duy, cách làm, cách nghĩ

Khuyến khích người dân chủ động đưa cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển… là những giải pháp được xã Vinh Quang thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Một diện mạo mới, sức sống mới đang hiện hữu nơi vùng quê nông thôn mới này.

Ốc gác bếp – một sản phẩm mới của HTX Nông nghiệp dịch vụ và Thương mại Chung Tín tại xã Vinh Quang. Một cái tên nghe khá lạ so với nhiều sản phẩm hiện có ở huyện Chiêm Hóa cũng như trên thị trường. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí thì sản phẩm Ốc gác bếp chỉ có ở các tỉnh miền sông nước Nam Bộ. Với sự mày mò, tìm tòi và quyết tâm đầu tư cho sản phẩm, hiện nay HTX Nông nghiệp dịch vụ và Thương mại Chung Tín đã đưa món ăn ẩm thực này đến nhiều thị trường, có mặt tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội với giá khoảng 230 đến 250 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với ốc nhồi bình thường. Định hướng của Hợp tác xã là xây dựng Ốc gác bếp đạt chuẩn OCOP, nhằm đáp ứng yêu cầu về thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng và giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm. Điều này đã giúp cho anh Nguyễn Văn Lự và gần 20 hộ gia đình liên kết nuôi ốc ở Vinh Quang yên tâm chăn nuôi.

Anh Nguyễn Văn Lự, xã Vinh Quang giới thiệu sản phẩm Ốc gác bếp cho khách hàng.

Sản phẩm Ốc nuôi gác bếp xã Vinh Quang.

Năm 2016, Vinh Quang hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2021 hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điều này đã giúp địa phương này có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa. Xã đã chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tạo điều kiện cho người dân được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị như: gấc, dưa chuột, nhãn, nuôi trâu vỗ béo được xây dựng và đem lại hiệu quả cao. Cùng với các sản phẩm truyền thống thì người nông dân, các Hợp tác xã trên địa bàn xã luôn tìm tòi, học tập kinh nghiệm và đầu tư vào các mô hình, sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thị trường mang tính hàng hóa cao. Tầm nhìn trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình, sản phẩm mới được đầu tư, phát triển từ chính người nông dân chính là điều kiện, yếu tố mấu chốt để nang cao thu nhập, làm giàu và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đổi mới về tư duy, cách làm, cách nghĩ không chỉ tạo cơ hội cho người dân ở Vinh Quang phát triển kinh tế mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Diện mạo mới, sức sống mới chính là động lực để cấp ủy, chính quyền và người dân ở Vinh Quang tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.   

Văn Linh – Ngọc Hiển

Tin cùng chuyên mục