Những nông dân sản xuất giỏi ở Tri Phú

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa với 90% là người dân tộc thiểu số, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đời sống của nông dân xã Tri Phú đã có nhiều khởi sắc, số hộ khá giàu tăng lên.


Ông Ma Văn Lò, thôn Lăng Pục, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn gà của gia đình.

Gia đình ông Ma Văn Lò, thôn Lăng Pục là điển hình làm kinh tế giỏi của xã với mô hình kinh tế tổng hợp. Năm 2015, ông Lò đầu tư cải tạo 6.000 m² đất đồi, xây dựng chuồng trại nuôi 50 con lợn, 500 con gà thả đồi; trồng 4 ha chuối tây, 200 gốc cam Vinh dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch. Ông bảo, làm gì cũng phải có kiến thức, khoa học kỹ thuật thì mới thành công. Ngoài tham khảo sách, báo, ông còn tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi thành công ở trong và ngoài tỉnh để áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Đến nay, gia đình ông Ma Văn Lò đã có cơ ngơi khang trang, trừ chi phí thu lãi khoảng 400 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.  

Được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, anh Đặng Đức Duy, thôn Bản Nghiên mạnh dạn đầu tư trồng 800 gốc bưởi ruột đỏ trên đất đồi của gia đình. Anh cho biết, năm 2010, anh bán vườn nhãn 400 cây được 120 triệu đồng, có vốn anh cải tạo đất trồng mới 4 ha rừng, xen canh trồng chuối tây, đào 2.000 m² ao thả cá. Đến năm 2014, anh thuê nhân công cải tạo đất đồi trồng mới 800 gốc bưởi ruột đỏ đặc sản Tân Lạc (Hòa Bình).  Hàng năm, cây chuối tây mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng cho gia đình. Dự kiến năm 2018, cùng với nguồn lợi từ rừng và cây ăn quả, gia đình anh có nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.

Lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của gia đình anh Seo Văn Dự, thôn Lăng Pục, xã Tri Phú vô vàn khó khăn. Năm 2006, gia đình anh chị bắt đầu chăn nuôi lợn thịt nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên đàn lợn của gia đình phát triển chậm. Không nản lòng, anh Dự đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ở nhiều nơi. Đến nay, gia đình anh chị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn khá hiệu quả, mỗi năm xuất bán 3 lứa, mỗi lứa từ 60 đến 70 con lợn thịt. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi, gia đình anh chị đã đầu tư xây hầm biogas, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, anh chị kết hợp với chăn nuôi gà thịt, mỗi lứa nuôi từ 800 đến 1.000 con. Mỗi năm trừ chi phí, anh Dự thu lãi gần 200 triệu đồng…

Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, xã Tri Phú đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Đến nay, xã Tri Phú có 59 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Việc phát triển các mô hình kinh tế giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2017 giảm còn trên 20%.   

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục