Hùng Mỹ tổng kết Dự án trồng cây khôi nhung

Ngày 23/7, UBND xã Hùng Mỹ đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá mô hình liên kết trồng cây dược liệu, cây Khôi Nhung dưới tán rừng sản xuất tại hộ gia đình.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây Khôi Nhung tại gia đình bà Ma Thị Nhu, thôn Thắm, xã Hùng Mỹ.

Để đánh giá thực trạng phát triển của cây khôi nhung, các đại biểu đã được đi tham quan trực tiếp tại mô hình của gia đình bà Ma Thị Nhu, thôn Thắm, đây là mô hình được trồng dưới tán rừng sản xuất, có số lượng là 1.000 cây, trồng trên diện tích khoảng 1.000 m2. Cây khôi nhung là giống cây dược liệu được Dự án khoa học và công nghệ huyện Chiêm Hóa xây dựng kế hoạch và đưa vào trồng thí điểm tại xã Hùng Mỹ từ tháng 8 năm 2018. Có 03 hộ gia đình ở thôn Thắm, xã Hùng Mỹ tham gia mô hình với diện tích 3.300 m2/ 3.000 cây giống, số diện tích trồng đều thuộc đất vườn tạp, đất đồi dưới tán rừng mỡ và vườn rừng tự nhiên. Đến nay, sau 11 tháng triển khai, mô hình đã cho kết quả khả quan, các hộ gia đình đã thu hoạch giống cây dược liệu này. Qua quá trình theo dõi, tuy trồng trên điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nhưng cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cây cao trung bình từ 0,8 - 1,3m. Các hộ tham gia mô hình cũng đã thực hiện thu hoạch 02 lứa, lứa đầu thu được 50 kg, lứa 02 thu được 68 kg. Dự kiến trong năm 2019, các hộ sẽ thu hái thêm 02 lứa vào tháng 9 và tháng 11, mỗi hộ dự kiến thu khoảng 30kg - 40 kg/lứa, ước sản lượng năm 2019 khoảng 300 kg - 350kg, với đơn giá từ 27.000 đ/kg, doanh thu đạt từ 7.000.000 đồng - 10.000.000 đồng trên tổng diện tích 3.300 m2.

Hội nghị tổng kết đánh giá mô hình liên kết trồng cây dược liệu, cây Khôi Nhung tại xã Hùng Mỹ.

Cây khôi nhung thường có tên gọi là lá khôi, đây là loại cây dược liệu quý hiếm dùng để chữa các bệnh dạ dày và đau bụng,. Cây Khôi Nhung có đặc điểm thuộc loại cây bụi, cao tới 2m, mọc thẳng đứng, thân rỗng xốp, ít phân nhánh, lá mọc so le, có chiều dài lá từ 15 - 40 cm, rộng 6 - 10 cm; Cây ưa độ ẩm cao thường mọc dưới tán rừng nhiệt đới, độ cao dưới 1000m. Tại Việt Nam cây khôi nhung phân bố rộng ở nhiều tỉnh như: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... Với những đặc điểm và tác dụng của cây Khôi Nhung nên hiện nay có rất nhiều gia đình trồng tại nhà để làm cây dược liệu quý, trồng dưới tán rừng lấy lá bán cho các công ty dược để chiết suất làm thuốc đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện mô hình đó là khoảng thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn, không tốn nhiều công chăm sóc và phân bón; trung bình năm đầu tiên thu hoạch từ 3- 4 lứa, từ năm thứ 2 trở đi thu hoạch mỗi năm từ 5- 6 lứa, lượng lá thu hoạch đạt 0,5 - 0,7kg lá tươi/cây, lượng thu các năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, sau 03 năm trồng cây Khôi Nhung đã có thể nhân giống để mở rộng diện tích. Cây Khôi Nhung trồng một lần cho thu hoạch trên 15 năm. Hiệu quả kinh tế cao, nếu trồng với mật độ từ 10.000 cây/ha, từ năm thứ 2 trở đi thu nhập từ 150.000.000 - 200.000.000đ/năm. Đặc biệt là sau khi thu hoạch đã được đơn vị liên kết là Công ty Cổ phần tư vấn phát triển nông thôn Xuân Mai, Hà Nội nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong thời gian dài, với giá cả ổn định.

Việc tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây khôi nhung sẽ là một thế mạnh để người dân ở xã Hùng Mỹ nói riêng, huyện Chiêm Hóa Hóa nói chung tổ chức triển khai tực  hiện góp phần tạo nguồn thu nhập cho nhân dân, từng bước nâng cao đời sống./.                

Văn Linh.

Tin cùng chuyên mục