Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã Bình Phú

Trong những năm qua, xã Bình Phú đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vào sản xuất. Trong đó, cây hồng không hạt là một trong những loại cây trồng mới được nhân dân đưa vào trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Vườn cây hồng không hạt của gia đình ông Triệu Văn Bảu, thôn Bản Lếch xã Bình Phú.

Ông Nông Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho hay: Bình Phú có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây hồng không hạt, bởi từ trước ở trong xã có nhiều hộ dân duy trì và phát triển cây hồng ta bản địa trên 500 gốc, thị trường và giá cả cũng khá ổn định. Chính vì thế xã đã tích cực vận động nhân dân đưa giống hồng không hạt từ Bắc Kạn về trồng. Hồng không hạt Bắc Kạn là cây bản địa đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mở ra cơ hội nâng cao giá trị thương mại cho quả hồng, đây là loại cây giúp nhiều hộ dân thoát nghèo ở Bắc Kạn. Năm 2014, cây hồng không hạt được trồng thử nghiệm ở 16 hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở một số thôn trên địa bàn, trung bình mỗi hộ trồng 200 gốc, kinh phí hỗ trợ trên 90 triệu đồng từ nguồn vốn 135. Để cây hồng phát triển tốt, các hộ trong thôn chọn đất chân đồi, ven ao hay các chân ruộng thiếu nước canh tác để trồng, đặc biệt trước khi đưa cây hồng vào trồng, chính quyền xã đã phối hợp với công ty giống cây trồng Bắc Kạn tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái đến bảo quản trái hồng cho các hộ trực tiếp tham gia trồng hồng. Cây hồng đặc biệt hợp thổ nhưỡng ở đây, cho chất lượng quả rất ngon, ít sâu bệnh. Nếu trồng và chăm sóc tốt, sau 3 đến 5 năm cây sẽ bói quả. Cây hồng không kén đất, trên đồi hay dưới thấp đều trồng được tuy nhiên qua một thời gian thử nghiệm hầu hết người dân đều nhận thấy cây hồng rất ưa trồng nơi chân đồi, quanh bờ ao, chân ruộng thiếu nước. Hiện nay, toàn bộ cây hồng không hạt đang ở độ gần 5 năm tuổi, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2018 đã cho bói quả, hứa hẹn năm 2019 sẽ cho thu hái rộ vào trước và trong dịp Tết Trung thu sắp tới. Theo kế hoạch, hàng năm xã  Bình Phú trích một phần kinh phí từ nguồn vốn 135 đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo mua giống cây hồng không hạt về trồng. Đến thời điểm này, toàn xã đã nhân rộng diện tích hồng không hạt trên 50 ha, trong đó có một nửa diện tích đã cho bói quả. Dự kiến năm 2020, cây hồng không hạt sẽ được đưa vào trồng ở thôn Khau Hán, một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã. Trong những năm tới, để hồng không hạt trở thành cây ăn quả đặc sản, đòi hỏi cấp ủy chính quyền xã Bình Phú cần nỗ lực hơn nữa, giải quyết tốt bài toán về đầu ra ổn định của cây hồng, cũng như việc triển khai xây dựng thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm, khai thác tối đa các nguồn vốn, dự án để chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở rộng diện tích trồng hồng không hạt. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, tận dụng các nguồn đất bỏ hoang để không ngừng mở rộng diện tích của cây hồng không hạt. Có như vậy cây hồng không hạt ở Bình Phú mới phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, từng bước góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

 Ông Triệu Văn Bảu, thôn Bản Lếch xã Bình Phú chia sẻ: xã chọn cây hồng không hạt, đặc sản của địa phương là rất phù hợp. Bởi cây hồng ngâm có ở đất Bình Phú từ lâu đời, hầu như nhà nào cũng có một vài cây. Năm 2014, nhà ông được hỗ trợ 6 triệu đồng từ nguồn 135 để mua 200 gốc hồng không hạt về trồng trên toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình. Qua quá quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng cây ông Bảu nhận thấy, trồng hồng không hạt phải dành quỹ đất riêng, không trồng với các cây khác trong vườn vì cây hồng ưa ánh sáng. Hàng năm phải tiến hành cắt bỏ những cành vượt và bấm ngọn để tạo tán cây ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản như thế cây sẽ ra cành khỏe, thấp và dễ chăm sóc cũng như thu hoạch. Ưu điểm là cây ít phải chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt nên không phải mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu cũng không quá cao. Nếu mỗi nhà có từ 100 đến 200 gốc, khi cây đến tuổi cho thu hái thì mỗi năm thu cũng có khoản thu nhập khá, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, 200 gốc hồng của nhà ông Bảu đang ở độ 5 tuổi và là năm thứ 2 cho bói quả.

Với những kết quả đạt được, bước đầu sẽ là cơ sở định hưởng để xã Bình Phú mở rộng diện tích cây hồng không hạt trong thời gian tới. Đồng thời đây còn là cơ sở khoa học để các cơ quan chuyên môn chuyển giao quy trình chăm sóc cây hồng không hạt cho người nông dân, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cây hồng không hạt tại địa phương./.

Hải Hà - Phúc Anh

Tin cùng chuyên mục