Hiệu quả từ mô hình trồng tre lấy măng ở Bình Phú

Để phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con, tạo nguồn thu nhập ổn định, thời gian qua, xã Bình Phú đã đưa một số loại giống cây trồng mới vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả và có khả năng nhân rộng. Trong đó, mô hình trồng tre mai xanh lấy măng với nhiều ưu điểm như dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương…đã trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo ở xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa.

 Ông Nông Văn Đắc, thôn Phú Linh, xã Bình Phú khai thác măng của gia đình.

Trước đây, hoàn cảnh gia đình ông Nông Văn Đắc, thôn Phú Linh, xã Bình Phú rất khó khăn. Trải qua nhiều nghề để mưu sinh, đến năm 2013 ông đã trở về địa phương phát triển kinh tế rừng. Đến năm 2016 - 2020, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, ông đã đầu tư mua 1.000 khóm tre Mai xanh từ Phú Thọ về trồng, kết hợp với nuôi trâu sinh sản, nuôi dê thương phẩm. Với sự cần cù, chịu khó, kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, vườn măng của gia đình ông Đắc luôn lên xanh tốt, sản lượng măng thu hoạch cao. Đến nay, gia đình ông đã có trên 5ha tre mai xanh bắt đầu cho thu hoạch; phát triển đàn trâu 12 con, chăn nuôi đàn dê thương phẩm trên 70 con…giúp ông có nguồn thu nhập ổn định. Năm 2021 ông có nguồn thu nhập trên 70 triệu đồng, ước tính năm 2022 từ trồng Tre lấy măng, gia đình ông Đắc có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Gia đình ông Nông Văn Đắc chế biến măng khô mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Xã Bình Phú đã trồng khảo nghiệm loại tre Mai xanh lấy măng, kết quả cho thấy loại tre này phát triển tốt và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Cây phát triển nhanh cho năng suất măng cao, thời gian cho sản phẩm dài hơn các loài tre măng khác ở địa phương, chất lượng măng ngon và có giá trị để xuất khẩu. Ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2021, xã thành lập Dự án thực hiện mô hình nuôi trồng tre lấy măng thuộc Chương trình 135 với 26 hộ tham gia. Mục tiêu của dự án nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người tham gia mô hình; sau khi tham gia Dự án, 100% số hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo; đồng thời nhân rộng thành công mô hình trồng tre lấy măng trên địa bàn xã. Các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ kinh phí mua cây giống, tập huấn quy trình kỹ thuật trồng tre lấy măng, tiến tới thành lập Tổ hợp tác để liên kết sản xuất, tăng giá trị thu nhập tử măng tre…Đến nay, xã Bình Phú đã phát triển diện tích trồng tre Mai xanh lên trên 36 ha, trong đó có trên 10% đang bắt đầu cho thu hoạch.

Xã Bình Phú thành lập Dự án thực hiện mô hình nuôi trồng tre lấy măng.

Với loại cây tre Mai xanh người dân có thể tận dụng diện tích đất đồi để trồng, giúp nâng cao thu nhập và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Đồng thời việc đưa giống cây tre lấy măng vào sản xuất nhằm chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả, mở ra hướng đi mới giúp nông dân nâng cao thu nhập bền vững, hướng đến xây dựng sản phẩm măng thành một sản phẩm đặc trưng theo chương trình của huyện đề ra./.

Tài Tùng - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục