Hiệu quả từ mô hình nuôi cá chép xem lúa ở xã Nhân Lý

Đầu năm 2014, UBND xã Nhân Lý phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang triển khai mô hình nuôi cá chép xen canh lúa trên địa bàn xã, sau 4 tháng, mô hình này đã đã đem lại hiệu quả kép, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trên địa bàn xã.

Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, triển khai làm đất vụ mùa, gia đình chị Hoàng Thị Màu, thôn Đồng Cọ đã triển khai thu hoạch và đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá xen canh lúa. Chị Màu cho biết: ngay khi bước vào vụ xuân, được sự hỗ trợ về nguồn giống của Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, gia đình chị Màu đã thả 8kg cá chép giống xuống diện tích ruộng hơn 1.000m2,  số lượng cá ước chừng khoảng 1.000 con. Cùng với sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh về cám chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cá, gia đình chị luôn chủ động trong việc cho cá ăn và chăm sóc đàn cá, theo dõi quá trình sinh trưởng của cá, cải tạo mương, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, nguồn nước đảm bảo cho đàn cá phát triển. Với nguồn thức ăn chính là phân chuồng và cám gạo, mô hình nuôi cá xen canh lúa của gia đình chị Màu thu hoạch đạt khoảng 30kg  thu về  trên 2 triệu đồng. Cùng với sản lượng lúa, sản lượng cá ước tính tổng giá trị kinh tế ước đạt hơn 4 triệu đồng. 

 Mô hình nuôi cá chép xem lúa ở xã Nhân Lý bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế.

Cũng với diện tích ruộng đó, gia đình ông Hoàng Văn Viên hôn Đồng Cọ, xã Nhân Lý cho biết: sau khi thả 7kg cá xuống ruộng, do có điều kiện thuận lợi về nguồn nước nên đàn cá của gia đình ông lớn nhanh hơn. Mặc dù thả ít hơn  nhưng sản lượng thu được đạt 40kg cá. Hiệu quả “kép” từ việc nuôi cá xen canh lúa đã làm gia đình ông Viên rất phấn khởi khi lợi kinh tế đem lại đạt gấp đôi. Mô hình này đã thu hút nhiều hộ gia đình trong thôn đến xem và học hỏi kinh nghiệm.

Trước khi mô hình nuôi cá xen canh lúa được nuôi thí điểm tại xã, UBND xã Nhân Lý cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã đi thăm quan mô hình cá xen canh lúa tại các hộ gia đình thuộc các xã Kim Bình, Tân An, một số hộ gia đình tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình. Theo đó, khi mô hình được đưa vào thực hiện tại các xã đều đem lại nguồn thu khá cho các hộ gia đình. Đầu năm 2014, UBND xã Nhân Lý đã thí điểm nuôi cá xen canh lúa tại 2 hộ gia đình thuộc thôn Đồng Cọ trên diện tích 2.000m2, tuy gặp thời tiết khó khăn nhưng với kinh nghiệm và cách chăm sóc hợp lý, 2 mô hình cá thí điểm tại xã đều phát triển tốt và có lợi nhuận kinh tế khá sau khi thu hoạch. Theo đánh gia ban đầu, nuôi cá xen canh lúa sẽ có tác động tích cực tới năng xuất lúa bởi cá có tác dụng sục bùn, làm tăng tác dụng của các loại phân bón trong lúa đồng thời hạn chế được cỏ lúa và diệt các loại sâu bệnh hại lúa.

Việc thu lại hiệu quả “kép” trên cùng một diện tích đất ruộng, trong những năm tới  xã Nhân Lý sẽ  nhân rộng, phát triển mạnh mô hình nuôi cá xen canh lúa và nuôi cá vụ đông, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Văn Linh

Tin cùng chuyên mục