Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Mua bán hàng Online đang trở thành xu thế tiêu dùng mới bởi hàng hóa đa dạng, người mua lại không phải mất công di chuyển, thử, lựa chọn nhiều... Đây vừa là tiện ích, nhưng cũng đồng thời là cơ hội để nhiều người bán hàng trà trộn hàng tồn, hàng nhái, hàng kém chất lượng... đặc biệt với các chị em “nghiện” mua sắm online.

Mua hàng online - con dao 2 lưỡi

Với nhiều người tiêu dùng hiện nay, việc mua sắm online đã dần trở nên phổ biến, thay thế việc mua sắm ở chợ, siêu thị truyền thống. Từ trang phục, đồ dùng gia đình, vật dụng bếp núc, giày dép, thực phẩm, sách truyện, quà tặng sinh nhật cho đến đồ cúng online… diễn ra ngày càng nhộn nhịp.

Chị K.T.T, tổ 9, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) một người “nghiện” mua sắm online cho biết: đi chợ online, đồ gì cũng có. Hàng ngày, mình chỉ cần tranh thủ lướt web một lúc, gọi vài cuộc điện thoại là đã có đủ đồ sinh hoạt cho gia đình trong cả tuần. Từ khi có hình thức mua hàng online, mình thấy rất tiện ích, tiết kiệm được thời gian hơn rất nhiều.

Là một người thích mua hàng online, nhưng chị P.T.D, tổ 11, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) lại nếm phải “trái đắng” khi mua phải hàng không đúng chủng loại. Chị kể: mình thấy một chiếc áo dạ rất đẹp trên tài khoản Facebook. Thoáng nhìn đã thích, nhưng vốn tính cẩn thận, mình đã xem kỹ thông tin người bán, tìm đọc phản hồi của những người mua hàng trước đó, so sánh giá sản phẩm với mặt bằng chung… thấy giá cả chấp nhận được, mình mới quyết định mua. Ngày nhận hàng, thay vì một chiếc áo dạ như hình quảng cáo, chị lại nhận được một chiếc áo bông cồng kềnh, ngoại cỡ. Ngay sau khi nhận phải món hàng không mong muốn, chị đã vội liên lạc với tài khoản Facebook thì Facebook của chị đã bị chặn, mọi nỗ lực liên lạc đều không thành.

Mua hàng online giờ đã trở thành một trong những xu thế phổ biến của chị em công sở.

Lý giải việc bị hình thức mua bán online “gây nghiện”, chị D cho biết: đồ trên mạng đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả về cơ bản chấp nhận được. Các shop thời trang trong tỉnh thường bán đồ đại trà, rất khó tìm được các sản phẩm thời trang tinh tế, dùng cho những dịp quan trọng… Khi cần tìm những trang phục đẹp lạ, độc đáo thì hàng online đáp ứng được tiêu chí đó, nhưng mặt trái của mua hàng online là độ rủi ro cao. Một người mua hàng online lâu năm, nhiều kinh nghiệm như chị D, đôi lúc vẫn nhận “trái đắng” khi nhận về những sản phẩm “gia công”, thiếu thẩm mỹ cả về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc… khi mua hàng trực tuyến.

ình trạng các shop quảng cáo ảnh sản phẩm chất lượng, nhưng lại bán hàng kém chất lượng, khiến khách hàng rơi vào ma trận, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, do giá trị hàng hóa thấp hoặc do ngại mất thời gian đi trình báo cơ quan chức năng nên khi gặp các vấn đề như vậy, người tiêu dùng thường im lặng bỏ qua. Với mong muốn những người “nghiện mua đồ online” nâng cao ý thức cảnh giác, có kỹ năng nhận diện những rủi ro khi đặt hàng qua mạng, chị K.T.T chia sẻ: mình luôn lựa những shop có thương hiệu, uy tín, có những review, phản hồi tích cực từ khách hàng; thận trọng, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán, đó cũng là thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững…

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra 507 vụ vi phạm hành chính. Trong đó, tổng số vụ đã xử lý 231 vụ; số vụ đang xác minh xử lý 2 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1,1 tỷ đồng; số tiền thu được từ bán hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trên 200 triệu đồng. Trong đó, 1 vụ trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt có hành vi tái phạm (trị giá hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên 35 triệu đồng, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên 44 triệu đồng); 1 vụ chuyển Cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự (trị giá hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 1,32 tỷ đồng, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu 488 triệu đồng, hàng hóa nhập lậu trên 176 triệu đồng)...

Thực tế cho thấy, hiện nay số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ, trong khi các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch theo phương thức “truyền thống”, còn trên môi trường số, nhiều quy định đã phát sinh bất cập. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp; nâng cao trách trách nhiệm quản lý Nhà nước; hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, đồng chí Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong sử dụng kênh mua sắm, tiêu dùng thông minh…

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục