Hiệu quả bước đầu của Dự án ứng dụng kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm

Dự án ứng dụng kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn 3 xã Hùng Mỹ, Yên lập, Kiên Đài được triển khai thực hiện từ tháng 6/2018 - 5/2019 tại thôn Nà Mo, xã Yên Lập. Sau 6 tháng thực hiện, Dự án cho thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, nhất là đối với người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã.

Chị Hà Thị Bẩy, thôn Nà Mo, xã Yên Lập hiện tại đang nuôi gối đàn vịt bầu trên 1.600 con, trong đó có trên 1.000 con vịt trưởng thành đang trong giai đoạn sinh sản. Chị Bẩy cho biết, trước đây, để đảm bảo cho đàn vịt phát triển, mỗi ngày thức ăn tinh từ cám và các phụ phẩm nông nghiệp khác, thuốc phòng trừ dịch bệnh... chi phí cũng gần 2 triệu đồng, nhất là trong giai đoạn vịt đẻ trứng thì nhu cầu về dinh dưỡng càng tăng cao, chi phí vì vậy cũng đội lên đáng kể. Từ khi Dự án ứng dụng kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn được triển khai trên địa bàn xã, chị đã thực hiện nuôi vịt kết hợp nguồn thức ăn giun quế, thấy vịt lớn nhanh, sức đề kháng tốt, phát triển đồng đều, đặc biệt là chi phí thức ăn giảm đáng kể, góp phần giảm công lao động, nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.

Anh Hồ Văn Tuấn, thôn Nà Mo, xã Yên Lập thu hoạch giun quế làm thức ăn bổ sung cho đàn gia cầm trên địa bàn xã.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản và đặc biệt là số đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên lập, Kiên Đài đang tăng mạnh, chi phí về thức ăn cho vịt ngày càng cao. Vì vậy, việc tìm một nguồn thức ăn sạch với chi phí thấp là nhu cầu cấp thiết với người chăn nuôi. Giun quế là một trong những giống vật nuôi đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Ở vùng nông thôn, rác hữu cơ như chất thải của trâu, bò, gà, lợn, phế thải rau, củ, quả...rất phổ biến, giun quế có khả năng xử lý toàn bộ, tránh gây ô nhiễm môi trường; hơn nữa phân giun quế và mùn bã sau quá trình nuôi giun là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt. Anh Hồ Văn Tuấn, thôn Nà Mo, xã Yên Lập, cá nhân thực hiện Dự án cho biết: Giun quế có hàm lượng Protein thô chiếm 70% trọng lượng khô, hàm lượng đạm của giun tương đương với bột cá, bột đậu tương thường được dùng trong thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, giun còn có các loại kích thích tố sinh trưởng tự nhiên; giàu đạm, dùng cho gia súc, gia cầm, vật nuôi thủy sản, giúp cho vật nuôi tăng trưởng nhanh, kháng những bệnh thông thường, mẫu mã đẹp, thịt thơm, ngon...Hơn nữa, nếu sử dụng giun quế pha trộn với thức ăn tinh theo công thức hợp lý, người chăn nuôi sẽ giảm 2/3 chi phí thức ăn. 

Vấn đề thực phẩm sạch đang là nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng và huyện Chiêm Hóa cũng đang đẩy mạnh công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, với những tác dụng khi sử dụng giun quế trong chăn nuôi sẽ góp phần mang lại nguồn thực phẩm sạch, được thị trường đón nhận, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và có thể nhân rộng mô hình trong thời gian tới./.     

Tài Tùng - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục