Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

Không chỉ đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá nhu cầu người học. Cùng với đó tham gia vào công tác tư vấn, hướng nghiệp, giúp học sinh và người lao động lựa chọn được ngành nghề đào tạo phù hợp để sau khi ra trường có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lãnh đạo trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tư vấn,
hướng nghiệp cho học sinh trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang).

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang hiện nay đào tạo hơn 20 chương trình với nhiều ngành nghề khác nhau như: Hàn, Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô... Để nắm bắt sát nhu cầu người học và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT; mời lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội thảo về công tác đào tạo nghề tại nhà trường. Từ đó, hướng việc đào đạo nghề gắn với nhu cầu người học và nhu cầu xã hội. 

Ông Vi Thế Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Linh Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, việc tổ chức hội thảo giữa trường dạy nghề và các doanh nghiệp là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, giúp 2 bên hiểu nhau và biết nhu cầu của từng doanh nghiệp hiện nay để đào tạo “trúng”, tránh lãnh phí thời gian, tiền bạc của người học. Từ đó, nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm sau khi ra trường.

Hiện nay, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, trước khi mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều phối hợp với UBND các xã tổ chức khảo sát nhu cầu người học và mở các lớp gắn liền với thế mạnh từng địa phương. Anh Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết, theo kế hoạch, trung bình mỗi năm Trung tâm mở 10 lớp dạy nghề cho hơn 300 lao động nông thôn. Trước khi mở lớp, Trung tâm đều cử cán bộ đi cơ sở để rà soát, tìm hiểu tình hình thực tế và thực hiện công tác tuyển sinh. 

Chị Bàn Thị Lan, dân tộc Dao, thôn Bản Phú, xã Thổ Bình (Lâm Bình) chia sẻ, hơn 1 năm trước chị theo học lớp dạy nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau khi học nghề chị mạnh dạn mở cửa hàng cắt may để sửa chữa, may quần áo cho người dân trong xã. Từ đó giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng.

Anh Chu Văn Linh, dân tộc Dao ở thôn Bản Sao, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đã tham gia lớp học nghề Vận hành máy thi công nền tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa. Sau khi ra trường, anh xin làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng ở Hải Phòng với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. 

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018 công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các cơ sở giáo dục nghề đã đào tạo nghề cho 9.582 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 54,6%. Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 24.740 lao động, đạt 123,7% kế hoạch năm. Tính từ đầu năm đến nay, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 4.200 học viên trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt hơn 70%. Các lớp đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả và ngày càng gắn với nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu người học.             

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục