Chăm lo thế hệ măng non

Nghị quyết số 73 ngày 10-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được triển khai đã nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Mục tiêu Nghị quyết hướng đến là tăng tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn đến trường. Qua đó góp phần đảm bảo cho trẻ phát triển cả về trí và lực, tạo đà để trẻ phát triển toàn diện trong giai đoạn tiếp theo.


Trường Mầm non Tân An (Chiêm Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu
chăm sóc, giáo dục trẻ ở địa phương.   Ảnh: Tôn Dương

Xuất phát từ thực tiễn

Trước thực trạng tỷ lệ huy động trẻ mầm non đi nhà trẻ đầu năm học 2018 - 2019 mới đạt 19,7%, thấp thứ 2 trong khu vực và thấp hơn tỷ lệ bình quân của 10 tỉnh miền núi phía Bắc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 73 ngày 10-12-2018 thể hiện quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện việc khó, dần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với việc học của con em mình, đặc biệt là bậc giáo dục mầm non.

Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020, tỷ lệ trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh đi nhà trẻ đạt trên 30%, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 50%. 100% trẻ đến trường được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo mục tiêu, chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được kiểm tra định kỳ sức khỏe và theo dõi biểu đồ tăng trưởng; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 10%. 100% giáo viên dạy các nhóm trẻ đạt chuẩn về trình độ đào tạo; đảm bảo đủ các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non, nhóm trẻ... 


Các bé trường Mầm non Tràng Đà (TP Tuyên Quang) trong giờ học làm bác sỹ.  Ảnh: Cảnh Trực

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 73 và Đề án Huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết và Đề án đến toàn thể cán bộ, giáo viên các trường học. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành kịp thời tuyên truyền về chủ trương nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; coi việc nâng cao chất lượng là giải pháp bền vững để huy động và duy trì tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt mục tiêu nghị quyết đề ra, đây là điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục bậc mầm non nói riêng trên địa bàn.

Những kết quả đáng mừng

Thực hiện Nghị quyết số 73, các huyện, thành phố đã thể hiện quyết tâm cao khi triển khai cụ thể từng giải pháp. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 1 tháng 8 năm 2019 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành Nghị quyết đã hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển, giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập, đồng thời nâng cao tỷ lệ trẻ đến trường tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. 

Các địa phương, đơn vị đã tăng cường huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học gắn với việc bố trí, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa việc sớm đưa trẻ đến trường và vận động người dân có con trong độ tuổi đưa trẻ đến trường. Chị Đặng Thị Ghến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) nói, để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, Hội đã vận động hội viên có con trong độ tuổi đưa con đến trường. Cùng với đó, huy động hội viên ở chi hội các thôn tham gia hàng trăm ngày công tu sửa, trang trí phòng học; đóng góp mua đồ dùng, đồ chơi để góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở các điểm trường. Hiện nay, Hùng Mỹ là xã có tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến trường cao nhất huyện với tỷ lệ huy động đạt 40,9%. 


Giờ múa hát của cô trò điểm trường thôn Thắng Bình, trường Mầm non Hùng Đức (Hàm Yên).
Ảnh: Vân Anh

Các địa phương đều triển khai đồng loạt các giải pháp như: Sắp xếp lại các điểm trường gắn với bố trí số lượng giáo viên; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đồng thời tăng cường nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục mầm non. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, cùng với việc sắp xếp lại điểm trường, giáo viên cho phù hợp, huyện còn tăng cường bố trí các nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất các trường mầm non. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tham gia công tác giáo dục, nhất là khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục tư nhân. Từ đó, tạo ra nhiều sự lựa chọn về môi trường học tập cho trẻ em trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện có 8 trường mầm non công lập, 3 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp đạt gần 30%, tăng trên 10% so với năm học trước, vượt mục tiêu đề ra.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tỷ lệ trẻ đến trường trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể so với thời kỳ trước khi ban hành Nghị quyết số 73. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 11 năm 2019 toàn tỉnh huy động được 11.104/33.415 trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 33,23%, tăng hơn 13% so với đầu năm học 2018 - 2019. Kết quả đáng mừng trên cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 73 và Đề án Huy động trẻ đi nhà trẻ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục