Ước mơ từ một làng nghề

Họ lớn lên cùng mùi nứa ngâm oai oải, tiếng ra nan tí tách và nhịp lật lên gài xuống của nan cót. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, người dân tộc Tày Trung Hòa (Chiêm Hóa) luôn gìn giữ nghề truyền thống này. Qua bao thăng trầm cót đan vẫn có được chỗ đứng, sản phẩm tiêu thụ nhịp nhàng, làm đến đâu đều bán hết đến đấy. Dẫu vậy, họ vẫn có những trăn trở, nỗi niềm mong muốn nghề đan cót thành thương hiệu, một làng nghề.

Nghề phụ, thu nhập chính

Đến xã Trung Hòa giữa không khí se lạnh của mùa đông, tôi vẫn cảm nhận được sự hăng hái lao động từ làng trên xuống xóm dưới. Người thì chẻ nan, vào nan, đan cót, ngâm nan... Nhà nào cũng bộn bề hàng đan, từ nguyên liệu đến sản phẩm. Hai bên lề đường những thanh nứa, thanh tre được chẻ mỏng nằm phơi mình đón nắng.

Anh Lê Văn Tuyên, cán bộ văn hóa xã dẫn tôi đến các hộ gia đình và một số đại lý thu mua cót. Anh vừa đi vừa nói: “Trước đây khi lúa ngoài đồng đã gặt xong, tranh thủ lúc nông nhàn nhiều gia đình kiếm thêm thu nhập từ những tấm cót. Nhưng nay bà con chẳng kể sớm tối hay mùa màng cứ rảnh lúc nào là ngồi vào đan lúc đó.


Cơ sở thu mua cót của anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa).

Gia đình bà Khổng Thị Quy, thôn Nà Ngày là hộ có thâm niên làm nghề. Trò chuyện với chúng tôi nhưng đôi tay bà Quy vẫn thoăn thoắt “lóng mốt, lóng đôi” trên lá cót. Bà chia sẻ: “nghề đan cót có từ lâu lắm rồi, chẳng nhớ rõ chỉ biết là được du nhập từ miền xuôi lên. Nghề này đơn giản, chỉ cần con dao, cây nứa là có thể hành nghề. Người giỏi chẻ nan, đan cót một ngày cũng được cả trăm ngàn đồng đấy…”.

Anh Tuyên, cán bộ văn hóa xã khẳng định, nói là nghề phụ nhưng từ lâu đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây. Nghề có lợi thế là làm quanh năm không hết việc mà việc lại không mấy nặng nhọc. Từ trẻ nhỏ đến người già, ai ai cũng có thể tham gia đan cót.

Đã thành thói quen, hằng ngày hai ông bà Vũ Thị Đam (73 tuổi) và chồng  ông Trần Văn Chiến (85 tuổi) vẫn đan cót đều đặn. Mỗi người một việc như chẻ nan, phơi nan và đan thành phẩm. Bà Đam chia sẻ, công việc đan cót giúp bà có cuộc sống ổn định hơn mà không phụ thuộc vào con cái. Mỗi ngày, hai ông bà “túc tắc” cũng đan được từ 3 - 4 tấm. Số tiền thu được cũng đủ cho ông bà sinh hoạt hàng ngày.

Được biết, cót được chia thành 2 loại với nhiều kích thước, giá bán khác nhau. Cót dùng để chế biến đồ thủ công xuất khẩu phải đảm bảo kích thước nan 1,8 cm, trắng, không dính cật và bụng. Cót dùng trong xây dựng thì không quá cầu kỳ về mặt hình thức, tận dụng nguyên liệu thừa và xấu. Tuy nhiên theo nhu cầu thị trường và hiệu suất kinh tế, bà con thường chỉ làm cót để chế biến đồ thủ công. Với thành phẩm từ 42 nghìn đồng/lá. Từ nghề có người mức thu nhập lên đến 300 - 400 nghìn đồng/ngày.


Nghề đan cót gắn bó người dân Trung Hòa (Chiêm Hóa) suốt hàng chục năm qua.

Để hoàn thành một tấm cót đẹp thì cây tre mai phải đạt những tiêu chuẩn như: cây bánh tẻ (khoảng 1 năm tuổi) gióng dài, óng và đều nhau. Để đan cót, người đan phải khéo léo, lại vừa nhanh tay tránh bị nứa cứa, bàn tay uốn thoăn thoắt trên tấm cót dài. Nghe qua có vẻ dễ thế nhưng để làm một lá cót đẹp, đều, chắc tay thì cần sự khéo léo, tinh tế.

Khát vọng làng nghề

“Ly nông bất ly hương” từ lâu không còn xa lạ với người dân nơi đây. Học xong THPT, Ma Thị Hậu không xuống Hà Nội hay các khu công nghiệp tìm việc mà ở quê gắn bó với nghề đan cót. Hậu cho biết, làm cót việc khá đều việc. Nếu chịu khó thì mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày 2 người phụ nhau, nhanh tay có thể làm được 7 - 8 sản phẩm. Hàng đến đâu là đại lý thu mua đến đấy.


Người Tày xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) gắn bó với nghề đan cót truyền thống.

Mặc dù là nghề đem lại nguồn thu nhập cho người dân, song làm cót giờ đây đứng trước nhiều thách thức và trăn trở. Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa là thương lái chính gốc bởi anh trung thành với nghề buôn cót đan gần 15 năm nay. Hằng năm, anh ký hợp đồng thu mua với Nhà máy Ngọc Sơn (Hà Nam) để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Biết có nhà báo đến viết bài, anh bày tỏ: “Trước đây mỗi ngày tôi thường nhập trên 1.000 lá cót thế nhưng giờ đây cố gắng lắm nhập được 500 lá cót/ngày. Nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung không đủ. Bởi những năm gần đây lực lượng lao động trẻ thường đi làm công ty, nhà máy; còn lại chủ yếu trung niên, người già trung thành với nghề”.

Được biết, thời gian qua để khuyến khích người dân mặn mà với nghề, các công ty, nhà máy thu mua cũng đã có những hỗ trợ như hằng năm mua bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế cho 30 - 40 người. Tuy nhiên cách làm này vẫn khó níu chân được lao động trẻ.

Thêm nguyên nhân là nhiều năm nay, nguồn nguyên liệu làm cót bắt đầu khan hiếm. Trước đây, bà con thường trồng và khai thác thế nhưng sức tiêu thụ mạnh nên nguyên liệu không đáp ứng kịp. Mặc dù đây là làng nghề lâu năm nhưng bà con vẫn có lối tư duy làm ăn theo kiểu “cò con”, nhỏ lẻ, sản xuất manh mún chưa tập trung. Đồng chí Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, điều đáng tiếc nhất là những tấm cót là thành phẩm xuất thô được bán cho cơ sở sản xuất, nhà máy để làm đồ thủ công mỹ nghệ nên giá trị sản phẩm cót chưa cao. Thời gian tới, để phát triển nghề đan cót, xã mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đến việc liên kết với các công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để chính người dân tạo ra được những sản phẩm hoàn thiện có giá trị kinh tế cao từ những tấm cót thô hiện tại. Từ đó tạo được chuỗi giá trị sản xuất khép kín, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, giải quyết nguồn lao động tại địa phương.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục