Hà Lang với công tác giảm nghèo

Thực hiện phong trào thi đua “ Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020, xã Hà Lang đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, số hộ nghèo, cận nghèo giảm qua từng năm, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo của huyện đề ra.

Thôn Phia Xeng hiện nay có 86 hộ gia đình với trên 410 nhân khẩu. Chị Trần Thị Hương, Trưởng thôn cho biết, trước đây, thu nhập của đồng bào Dao trong thôn chủ yếu là từ trồng lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ gia đình trong thôn đã đưa cây cam sành vào trồng. Thổ nhưỡng phù hợp, cộng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, xã và nguồn vốn vay của Nhà nước, cây cam ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn thôn có gần 60ha trồng cam, trong đó đa số đã được thu hoạch, đời sống của nhiều hộ gia đình đã đổi thay từ cây cam sành. Đây cũng là cây trồng được xã Hà Lang lựa chọn thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với từng bước xây dựng thương hiệu và đăng ký công nhận OCOP cho sản phẩm.

Anh Triệu Văn Lụ, thôn Phia Xeng, xã Hà Lang thu hoạch vụ cam năm 2020.

Gia đình anh Triệu Văn Lụ, thôn Phia Xeng có 6 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 lao động chính. Từ năm 2016, cùng với nhiều hộ gia đình khác trong thôn, anh đã cải tạo đất vườn, đồi tạp đưa cây cam sành vào trồng. Vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, anh đã trồng được trên 1.300 gốc cam với diện tích 2,3 ha, trong đó trên 700 cây đã cho sản phẩm. Năm 2020 cũng là năm đầu gia đình anh Lụ đã thu được những trái ngọt từ cây cam sành với trên 25 tấn quả, doanh thu đạt gần 70 triệu đồng. Bên cạnh cây cam, gia đình anh luôn duy trì chăn nuôi gối trên 10 con lợn thương phẩm, phát triển đàn trâu, bò từ 4 – 10 con...cho thu nhập gần 100 triệu đồng. 

Thực hiện phong trào thi đua “ Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình giảm nghèo được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện tích cực, đồng bộ, thường xuyên, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết, kế hoạch cụ thể, sát thực hàng năm; chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Xã Hà Lang tập trung thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách, dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất như phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, tài chính, tín dụng; hỗ trợ BHYT; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ tiền điện, máy móc phục vụ sản xuất; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản; hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn xã đã có 135 máy sản xuất nông, lâm nghiệp các loại hỗ trợ cho hộ nghèo chương trình 135; xây dựng 06 nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, làm nhà ở trên 22 tỷ đồng; phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn....Từ đó đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Năm 2016, xã có 470 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 55,8% tổng số hộ thì đến cuối năm 2020, xã chỉ còn 172 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 19,3%.

Chợ trung tâm xã phát triển, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế.

Bên cạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là trọng tâm, xã Hà Lang cũng quan tâm chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ để nhân dân, nhất là các hộ nghèo, người nghèo tiếp cận với các ngành, nghề mới, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa nâng cao thu nhập, dầnchuyển đổi hình thức phát triển kinh tế cho lao động nông thôn ở địa phương./.

Tài Tùng - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục