Chiêm Hóa khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Chiêm Hóa là một trong những huyện có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng home stay đã và đang được huyện quan tâm đầu tư dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Mô hình du lịch này ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn thắng cảnh và tìm hiểu các nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Du khách thăm quan hang Thẳm Nặm thôn Biến xã Phúc Sơn.

Thôn Biến, xã Phúc Sơn, có chiều dài 5 km, nằm trọn giữa 2 dãy núi đá cao cùng khu rừng nguyên sinh với nhiều hang động, thác nước tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá, du lịch Homstay. Thôn Biến có gần 200 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao và Tày sinh sống, trong đó, dân tộc Dao chiếm gần 90%. Vì vậy, thôn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao như những làn điệu Páo Dung, múa màng, thổi tù và. Hàng năm, thôn đều tổ chức ngày hội, ngày lễ, tết theo phong tục tập quán; người dân trong thôn vẫn thường mặc trang phục truyền thống, đeo trang sức, khăn quấn đầu, nói tiếng dân tộc mình... Bên cạnh việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thôn Biến còn có lợi thế từ cánh rừng nguyên sinh cùng các hang động hoang sơ trên địa bàn thôn như: Hang Thẳm Nặm, hang Chợ Khỉ, Thẳm Vài, với đặc trưng là hàng nghìn khối nhũ đá muôn sắc, óng ánh màu cẩm thạch, là sản phẩm của tự nhiên có tuổi đời hàng nghìn năm sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách ưa mạo hiểm. Để khai thác tiềm năng đó, huyện đã xây dựng đề án xây dựng Làng văn hóa cộng đồng thôn Biến, xã Phúc Sơn gắn với du lịch quần thể các hang động xã Phúc Sơn, tiến hành làm đường đi bộ lên các hang động, lắp điện, tôn tạo cảnh quan trong và ngoài hang, làm điểm dừng chân, chụp ảnh và các dịch vụ đi kèm giúp khách du lịch có cơ hội trải nghiệm cùng người dân bản địa.  Việc xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại thôn Biến không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giải quyết vấn đề việc làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong thôn có cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân.  

 Những ngôi nhà sàn tại khu di tích lịch sử Quốc gai đặc biệt  Kim Bình phục vụ du khách tham quan.

Thác Bản Ba xã Trung Hà hấp dẫn du khách khám phá trải nghiệm.

Đi du lịch khám phá Chiêm Hóa, du khách sẽ được tham quan các địa danh được biết đến như: Thác Bản Ba, xã Trung Hà, hang Thắm Hốc, Thẳm Vài, Bó Ngoặng xã Phúc Sơn, hang Núi Chùa, hang Mỏ Bài, động Bản Pài thuộc xã Minh Quang, thác lụa xã Hòa Phú, khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Kim Bình... cùng nhiều thác nước, hang động khác. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch của huyện, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, huyện Chiêm Hóa đã và đang xây dựng nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển du lịch địa phương, trong đó tập trung vào các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương đến với du khách, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống nhằm thu hút khách du lịch. Khảo sát, tham mưu hoàn thiện xây dựng đề án xây dựng Làng văn hóa cộng đồng thôn Biến, xã Phúc Sơn gắn với du lịch quần thể các hang động xã Phúc Sơn (hang Bó Ngoạng, Bản Pài, Trâu Bạc); đề án xây dựng Điểm dừng chân Đèo Gà gắn với du lịch Homestay tại xã Tân Thịnh, tổ chức cho một số hộ dân tham quan học tập mô hình du lịch Home stay tại Lâm Bình, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuần văn hóa du lịch vào tháng 9 như tổ chức hội chợ đêm, thi liên hoan hát then đàn tính..

 Du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới để góp phần đưa du lịch ở huyện Chiêm Hóa ngày càng phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân từ du lịch, cũng như quảng bá mảnh đất con người Chiêm Hóa đến với du khách trong nước và quốc tế./.

                                                            

Huy Dương

Tin cùng chuyên mục