Lễ hội Lồng Tông Chiêm Hóa năm 2024

Ngày 17/02 (tức mùng 8 tháng Giêng), tại sân vận động trung tâm huyện, UBND huyện Chiêm Hóa tổ chức Lễ hội Lồng Tông. Lễ hội được tổ chức với mong ước cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà sức khỏe, no đủ, yên vui, hạnh phúc.

Dự lễ hội có các đồng chí: Hà Phúc Mịch, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy Viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh; lãnh đạo một số địa phương, cơ quan trong và ngoài tỉnh.

Các đại biểu dự Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hoá xuân Giáp Thìn 2024.

Huyện Chiêm Hóa có các đồng chí: Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Nguyên Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy; Nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy; Uỷ viên BCH Đảng bộ huyện; các Ban đảng, Văn phòng Huyện ủy, Trung tâm Chính trị huyện; Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; các xã, thị trấn trên trên địa bàn huyện; đại biểu Hội doanh nghiệp huyện cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương. 

Lễ rước Mâm tồng từ Đền Bách thần xuống Sân vận động trung tâm huyện.

Lễ xuống đồng với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu...

Lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa Xuân Giáp thìn 2024 với chủ đề “ Bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch” diễn ra gồm 2 phần phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với các hoạt động: Rước các mâm tồng từ đền Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc về sân vận động trung tâm của huyện, tiếp tục thực hiện nghi lễ tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...

Sau lễ tịch điền là màn múa xuống đồng của hơn 300 em học sinh trường THPT Chiêm Hóa. Đây cũng là điểm nhấn trong lễ hội Lồng tông mùng tám tháng giêng của huyện nhà hàng năm. Với chủ đề “Chiêm Hóa rạng rỡ mùa xuân” màn múa đã thể hiện sinh động không khí vui tươi, náo nức trong ngày hội xuống đồng...

Đồng chí Nguyễn tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã phát biểu chúc phúc đầu xuân và đánh trống khai hội.

Trong không khí náo nức của ngày hội Xuân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và thị trấn Vĩnh Lộc đã phát lộc đầu xuân cho đại biểu, nhân dân và du khách thập phương dự lễ hội, tung những quả còn đầu tiên mở đầu cho phần hội Lồng Tông mùng Tám tháng giêng Xuân Giáp Thìn 2024.

Các đại biểu phát lộc đầu xuân cho đại biểu, nhân dân và du khách thập phương dự lễ hội.

Các đại biểu, du khách và Nhân dân tung còn, mở đầu cho phần hội Lồng Tông mùng 8 tháng Giêng Xuân Giáp Thìn 2024.

Lễ hội Lồng Tông được tổ chức quy mô cấp huyện với rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, sinh động, như: Hội chợ Xuân; giải bóng chuyền hơi huyện Chiêm Hóa năm 2024; Hội khi khâu còn nhanh, đẹp; Giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ văn hoá dân gian. Đến với lễ hội du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian như: đi kà kheo, đẩy gậy, đánh bàm, đánh yến, đi cầu thăng bằng, Leo cột mỡ; bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt; … Ngoài ra, du khách được tham gia các hoạt động văn nghệ đường phố, mua sắm các sản phẩm đạt OCOP, nông sản đặc trưng của địa phương.

Giao lưu các Câu lạc bộ văn hoá dân gian.

Một số hoạt động thể thao tiêu biểu trong Lễ hội Lồng tông Xuân Giáp Thìn 2024.

Năm 2013 cùng với làn điệu Then, Lễ hội đặc sắc này đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Lồng tông đã trở thành lễ hội truyền thống của huyện Chiêm Hóa từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian dân tộc phát triển. Đây cũng là cơ hội để quảng bá du lịch Chiêm Hóa, đưa du lịch ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung./.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục