Tưng bừng Lễ hội lồng tông mùng tám tháng giêng Xuân Bính Thân 2016

Cùng với các hoạt động lễ hội đầu xuân, sáng ngày 15 tháng 2, tại Sân vận động trung tâm huyện, Huyện uỷ, HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ huyện Chiêm Hoá đã tổ chức Lễ hội Lồng, hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Dự Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa năm nay có các đồng chí nguyên lãnh đạo một số Bộ, Ban ngành Trung ương; đồng chí Ma Thế Hồng, Ủy viên BTV tỉnh ủy, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; Bí thư­ Huyện uỷ; đồng chí Hà Đức Tập, Phó Bí thư Th­ường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; các đồng chí trong BTV Huyện uỷ, Th­ường trực HĐND, UBND, UBMTTQ; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; các đồng chí nguyên là Bí thư­ Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND, UBND huyện qua các thời kỳ; cùng đông đảo nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hoá và du khách gần xa.

Lễ hội Lồng Tông là lễ hội của đồng bào dân tộc Tày ở Chiêm Hóa, là ngày hội mở đầu vụ gieo trồng, là một ngày hội xuân, trong thời điểm giao hoà âm d­ương, cầu mong mùa màng, muôn vật sinh sôi nảy nở, là ngày lễ cầu an cho toàn thể cộng đồng b­ước vào năm mới. Lễ hội Lồng Tông gắn với việc thờ cúng tại Đền Bách Thần, nơi hội tụ của thiên thần, địa thần và nhân thần. Trong không khí mùa xuân, ngay từ sáng sớm trên khắp các ngả đường dẫn đến trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc tấp nập dòng người du xuân, trẩy hội. Từ các xã vùng cao, vùng sâu vùng xa đến các xã vùng hạ huyện và nhân dân các dân tộc thị trấn Vĩnh Lộc đều nô nức hòa chung dòng người cùng tập trung tại sân vận động huyện nơi diễn ra lễ hội. Sau khi cúng tế tại Đền Bách thần, Đoàn rước lễ, dẫn đầu có đội múa lân, thầy cả và những nam thanh nữ tú rước kiệu thần và 9 mâm tồng về sân vận động trung tâm huyện.

Sau phần lễ cúng tạ ơn trời đất là lễ cầu mưa với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Lễ tịch điền, tức lễ cày ruộng đầu năm cũng đã được thực hiện. Ông Tạ Quang Thăng, một nông dân tiêu biểu ở tổ nhân dân Đồng Đình thị trấn Vĩnh Lộc là người được chọn để thực hiện những đường cày đầu tiên mở đầu cho một năm sản xuất mới. Hấp dẫn và sôi động là màn múa Xuống đồng  cầu mong lộc xuân ban phát nơi nơi thôn xóm làng bản yên vui đầm ấm của 300 em học sinh trường THPT Chiêm Hóa thực hiện. Màn múa với chủ đề “Sắc xuân ngày hội” gồm 4 chương: chương I: Sắc xuân; chương II: Xuống đồng; chương III: Tiếng đàn quê em; Chương IV:Rạng rỡ niềm tin, được dàn dựng trên nền nhạc các khúc hát về Chiêm Hóa của các nhạc sỹ Đinh Tiến Bình, Vương Vình, Quang Vinh, Tăng Thình, Quang Thủy nhằm giới thiệu đến du khách gần xa những nét đẹp truyền thống phi vật thể của người Tày ở Chiêm Hóa, đây cũng là điểm nhấn trong lễ hội Lồng tông mùng tám tháng giêng năm 2016.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Phó Phó Bí thư­ Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đã phát biểu chúc phúc đầu xuân và đánh trống khai hội. Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo đã phát lộc đầu xuân cho nhân dân và đông đảo du khách gần xa về dự lễ hội và tung những quả còn đầu tiên mở đầu cho Lễ hội Lồng Tông mùng Tám tháng giêng tết Bính Thân. Trong tiếng trống hội rộn rã, hàng trăm quả còn ngũ sắc được tung lên trời cao mang theo bao điều ước nguyện về một năm mới gặp nhiều điều tốt lành. Con trai con gái tung còn để mong tìm bạn, người già tung còn để cầu mong mùa màng bội thu, gia đình êm ấm.

Hòa cùng dòng người chơi hội chúng tôi bắt gặp những ánh mắt, nụ cười tươi tắn trên môi mỗi người. Dù đã xa quê hương mấy chục năm trời, nhưng mỗi năm tết đến Xuân về bà Bàn Thị Kim Tiến, ở thành phố Hà Nội vẫn luôn đau đáu nhớ về quê nhà với những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt là lễ hội mùng tám tháng giêng được huyện tổ chức hàng năm, bà đều cố gắng để về dự mang theo những ước nguyện cầu mong cho gia đình và quê hương. Với Nghệ nhân ưu tú Hà Thuẫn ở xã Tân An hàng năm tham gia lễ hội lồng tông ông đều thấy có những nét đổi mới, những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc được gìn giữ và phát huy vì vậy với những người cao tuổi như ông đều cảm thấy rất vui và phấn khởi. Nô nức hòa mình trong dòng người du xuân không chỉ có những người con của quê hương Chiêm Hóa mà còn có rất nhiều du khách thập phương cùng về tham dự không chỉ bởi sự tò mò mà còn bởi sự hấp dẫn của lễ hội của những quả còn ngũ sắc. Bạn Bùi Kim Oanh một du khách đến từ thành phố Nam Định cho biết: đây là lần đầu tiên chị đặt chân đến Chiêm Hóa và được tham gia một lễ hội vui như vậy, chắc chắn vào lễ hội năm sau chị sẽ tiếp tục tham dự và mời những người bạn khác đi cùng. Và trước khi ra về anh chị không quên mang về những quả còn ngũ sắc bên trong chứa đựng những hạt giống và ước nguyện về một năm mới an lành và may mắn. Có thể thấy ấn tượng sâu đậm nhất để lại trong lòng du khách đi trảy hội là tấm lòng hiếu khách và nét duyên của những cô gái vùng sơn cước và những trò chơi dân gian sôi động đầy hào hứng.

Lễ hội Lồng Tông không chỉ là lễ cầu mùa mà còn là dịp để nhân dân các dân tộc huyện nhà và du khách thập phương có dịp được vui chơi, giao lưu, lễ hội cũng là nơi để trai gái xa gần tìm hiểu nhau và nên duyên vợ chồng. Sau hội tung còn là các hoạt động như giao lưu văn nghệ; thi trình bày mâm cỗ truyền thống với tài khéo tay của chị em phụ nữ ở xã thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh bàn, đu quay, chọi gà, đánh cờ tướng, kéo co, đẩy gậy; thi đấu bóng chuyền hơi, bóng đá…được tổ chức đồng loạt tại sân vận động trung tâm huyện và nhà văn hóa huyện ngay sau khi kết thúc hội tung còn. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc và du khách tham gia thi đấu và cổ vũ. Lễ hội Lồng tông được phục dựng theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày cổ xưa. Năm 2013, lễ hội đặc sắc này đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong những năm qua huyện Chiêm Hóa luôn chú trọng bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội, đồng thời có nhiều hoạt động nhằm gắn kết lễ hội cùng với các hoạt động xúc tiến du lịch trên địa bàn huyện.

Lễ hội lồng tồng mùng tám tháng giêng của huyện Chiêm Hóa đã khép lại, vòng đồng tâm trên cây còn đã được anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Phú Bình ném trúng ngay trong những phút đầu tiên của hội tung còn. Điều đó hứa hẹn về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi nhân dân no đủ và sẽ là nguồn khích lệ động viên nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn huyện tiếp tục thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội xây dựng quê hương Chiêm Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội lồng tông năm 2016:

Một số hình ảnh bên lề Lễ hội lồng tông nnăm 2016:

 

 

 

Hồng Nhung - Văn Linh - Văn Tùng

Tin cùng chuyên mục