Thông điệp về kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi “Phụ nữ Tuyên Quang với an toàn thực phẩm năm 2018”. Hội thi đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi hội viên phụ nữ và cộng đồng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
 

Phần thi xử lý tình huống với tiểu phẩm “khẩn trương cho kịp đơn hàng”
của Hội LHPN huyện Sơn Dương.

Hội thi thu hút 7 đội với 42 thí sinh đến từ Hội LHPN 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Mỗi đội đã trải qua 3 phần thi, gồm: Chào hỏi, kiến thức, xử lý tình huống. Nội dung thi tập trung về vấn đề an toàn thực phẩm, cảnh báo thực phẩm bẩn, nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ về sử dụng thực phẩm sạch... Các phần thi được sân khấu hóa rất sinh động, phong phú, phản ánh đúng về hiện tượng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống. Từ đó, giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất, tiêu thụ và mua bán thực phẩm. 

Có lẽ, hấp dẫn nhất chính là phần thi xử lý tình huống với các tiểu phẩm sinh động, mang đậm hơi thở cuộc sống, cộng với cách thể hiện, lối nhập vai đầy cảm xúc của các diễn viên “cây nhà, lá vườn”. Trong đó, tiểu phẩm “Gậy ông đập lưng ông” của đội Chiêm Hóa đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Tiểu phẩm phản ánh về một gia đình bán cơm bình dân cho công nhân khu công nghiệp, thường xuyên thu mua thực phẩm ôi, thiu, hỏng rồi sử dụng hóa chất, phụ gia ngâm tẩm, biến những thực phẩm hỏng thành trắng, thơm, ngon. Nhưng thật không may, chính đứa con gái ruột vô tình ăn phải đã bị ngộ độc. Hay tiểu phẩm “Từ nay tôi chừa” do các thí sinh đến từ đội Na Hang nhập vai với người bà bán cháo dinh dưỡng có sử dụng loại phụ gia để cháo không ôi thiu, ngon ngọt. Nhưng chính cháu nội không may lại ăn phải và bị ngộ độc... Mỗi tiểu phẩm với những nội dung phong phú, giọng điệu thể hiện châm biếm, mỉa mai... nhưng trên hết đều mang tính giáo dục sâu sắc, đã chuyển tải thông điệp đầy ý nghĩa “Phụ nữ Tuyên Quang nói không với thực phẩm bẩn”.

Chị Lưu Thị Thương, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) nói, là cổ động viên cho hội thi, chị rất ấn tượng với phần thi xử lý tình huống. Thông qua các tiểu phẩm hài sinh động, dí dỏm, các đội đã tuyên truyền về việc kinh doanh thực phẩm an toàn; những hệ lụy của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm bẩn... Qua đó, chị nhận thấy mình cần chủ động hơn trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Kết thúc, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho đội Chiêm Hóa, giải nhì đội Sơn Dương, đội Yên Sơn đoạt giải ba. Sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của mỗi đội thi đã góp phần tạo nên thành công của Hội thi. Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, đội Chiêm Hóa chia sẻ, qua phần thi của đội muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải có tâm, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Sau hội thi, chị cùng các hội viên trong tổ chức hội sẽ tiếp tục tuyên truyền đến mọi người về thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức an toàn thực phẩm nên hội thi diễn ra sôi nổi, mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho người xem. Những nội dung thi sát với thực tiễn cuộc sống và hoạt động trọng tâm của Hội ở cơ sở. Hội thi không chỉ là dịp để các tuyên truyền viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động mà thông qua hội thi còn góp phần nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. 

TQĐT

Tin cùng chuyên mục