Những cán bộ trẻ ở Chiêm Hóa

Luôn đam mê học hỏi, cháy hết mình vì việc làng, việc xã, đội ngũ cán bộ trẻ tại các xã ở huyện Chiêm Hóa đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc làm thay đổi bộ mặt quê hương, bản làng. Trọng dân, hiểu dân, học dân là những bí quyết giúp họ được dân tin, dân nghe và chung sức đồng lòng cùng cán bộ thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Từ khó khăn thành điển hình tiêu biểu

Hỏi về đội ngũ cán bộ trẻ năng động tại các xã, chúng tôi được lãnh đạo huyện Chiêm Hóa giới thiệu đến gặp anh Chu Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ. Anh Thái sinh năm 1979, năm 2011 anh nhậm chức Chủ tịch UBND xã khi mới 32 tuổi và là một trong những chủ tịch xã trẻ tuổi nhất của huyện Chiêm Hóa thời bấy giờ. Anh Thái tâm sự: “Chặng đường từ Bí thư Đoàn đến Chủ tịch UBND xã là quá trình nỗ lực phấn đấu. Trước kia, Hùng Mỹ có nhiều cái yếu. Khi đi họp ở huyện, các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên nhắc nhở vì xã có nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch”. Năm 2011, nhậm chức Chủ tịch UBND xã, anh mang theo hoài bão góp sức trẻ xây dựng quê hương. Năm đầu khi nhậm chức, anh đưa ra nhiều chủ trương mới như thay đổi đội ngũ cán bộ trẻ ở thôn bản; vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng quy chế hoạt động từ thôn đến xã; giao chỉ tiêu cụ thể xuống cho từng thôn, chỉ đạo các thôn xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu từng hộ; xây dựng quy định, hương ước của thôn, quyết liệt giải quyết những thắc mắc khiếu nại… Chủ trương mới đưa ra, một số người dân chưa hiểu đã có những thắc mắc, khiếu nại gửi lên cấp trên. Khi huyện về kiểm tra thẩm định, anh giải trình mọi việc rõ ràng. Rồi hiệu quả của những việc làm của anh mang lại cho bà con đã làm cho những sóng gió qua đi, người dân thêm hiểu cái tâm của người cán bộ trong anh. Anh Thái bảo: “Làm cán bộ thật không đơn giản, không có trường học nào tốt bằng học từ thực tiễn. Khi đi làm dân vận, nói một lần dân không hiểu thì phải vận động thuyết phục nhiều lần. Để nói cho dân hiểu, dân nghe, điều quan trọng nhất của người cán bộ là phải tích cực đi cơ sở, xuống thôn, kịp thời giải đáp những thắc mắc, khiếu nại của bà con ở thôn bản. Những vấn đề nào sai cần chỉ đạo cán bộ giải quyết dứt điểm, những việc gì dân không hiểu thì giải thích cặn kẽ, tránh trường hợp dân hiểu lầm cán bộ”.


Đồng chí Chu Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) trao đổi
về năng suất lúa xuân với bà con nông dân.

Mùa này, những cánh đồng lúa bạt ngàn phủ màu vàng trải dọc triền sông Gâm ở Hùng Mỹ rộn ràng tiếng máy gặt, máy tuốt lúa, tiếng cười nói trong niềm vui được mùa. Hùng Mỹ là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Chiêm Hóa về phong trào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 4 máy cấy, 200 máy gặt lúa mini, 150 máy cày bừa. Thực hiện tốt cơ giới hóa trong sản xuất nên trong khi nhiều địa phương đang triển khai thu hoạch lúa thì Hùng Mỹ đã thu hoạch được 90% diện tích lúa xuân. Anh Thái chia sẻ: “Để bà con cấy đúng khung mùa vụ, cán bộ phải học cách làm người nông dân tốt trước đã. Dù đang mặc quần áo chỉnh tề, nhưng nhiều khi mình vẫn chủ động lội ruộng chỉ bảo bà con cách nhận biết sâu bệnh hay vào chuồng lợn hướng dẫn bà con phân biệt giống lợn tốt, cách nhận biết dịch bệnh qua phân lợn…”.  Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, mấy năm trở lại đây, cây lúa ở Hùng Mỹ cho năng suất trung bình đạt từ 68 - 70 tạ/ha. Không cho đất nghỉ, kịp thời gối vụ, trước khi lên lịch gặt, UBND xã chỉ đạo bà con khẩn trương gieo mạ, đảm bảo khi thu hoạch xong, kịp thời làm đất để cấy lúa vụ mùa đúng khung thời vụ.

Thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ hôm nay được phủ lên màu xanh ngút ngàn của lạc, của mía. Là thôn khó khăn nhất của xã Hùng Mỹ, toàn thôn có 70 hộ dân người Dao, người Tày sinh sống. Trước đây, bà con Cao Bình chủ yếu trồng lúa nước nên hiệu quả kinh tế thấp. Nay, ngoài cây lúa, bà con phát triển cây lạc, cây mía. Ông Đặng Phúc Vinh, Trưởng thôn Cao Bình phấn khởi chia sẻ, trước đây, Cao Bình đất nhiều, nhưng bà con thường để đất hoang, được cán bộ Thái và cán bộ xã chỉ đạo, hướng dẫn tận tình, bà con đã biết canh tác lúa nước hiệu quả. Đặc biệt, Cao Bình là thôn có diện tích và năng suất lạc cao nhất xã. Toàn thôn có 19 ha lạc, năng suất trung bình đạt 40 tạ/ha. Thôn trồng 25 ha mía, năng suất trung bình đạt 80 tấn/ha. Sự thay đổi và phát triển của thôn Cao Bình là minh chứng đậm nét nhất cho chủ trương lãnh đạo đúng đắn của cán bộ Thái và các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã.

Từ xã khó khăn, Hùng Mỹ hôm nay đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chiêm Hóa.

Trọng già học điều hay

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa có 41 cán bộ trẻ trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, chiếm 21%. Tỷ lệ cán bộ trẻ ở cấp ủy cơ sở chiếm 25,8%. Hầu hết đội ngũ cán bộ trẻ đều có trình độ cao đẳng, đại học. Nhiều địa phương có tỷ lệ cán bộ trẻ cao như xã Vinh Quang có 6/14 đồng chí trong cấp ủy; xã Bình Phú có 6/15 đồng chí; xã Kiên Đài 7/14 đồng chí; xã Yên Nguyên 8/15 đồng chí… Đội ngũ cán bộ trẻ luôn không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, bám sát cơ sở, nỗ lực cùng nhân dân làm kinh tế, xây dựng cuộc sống.

Hỏi bí quyết dẫn đến thành công trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, những cán bộ trẻ ở Chiêm Hóa đều có chung nhận định đó là phải biết trọng, biết học những kinh nghiệm từ người cao tuổi, có uy tín, có kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư.

Đồng chí Trần Hữu Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên tâm sự: “Năm 2010 tôi nhậm chức Chủ tịch UBND xã khi mới 31 tuổi, cũng có nhiều áp lực. Yên Nguyên vốn là xã có truyền thống làm kinh tế - xã hội rất tốt, vì thế không biết mình có làm tốt được không. Trên cương vị đó, tôi luôn nỗ lực học hỏi những người đi trước về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như cách tuyên truyền vận động làm sao để bà con hiểu và nghe theo. Câu hỏi làm sao để xã phát triển hơn trước cũng luôn là vấn đề tôi trăn trở”.

Trong hành trình làm “công bộc” của dân, anh Dương gặp không ít khó khăn. Là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, người dân chứng kiến được thời ấu thơ hiếu động của anh, nên khi làm cán bộ, có người hiểu và đồng cảm, nhưng không ít người phản đối bảo “Nó trẻ ranh làm sao mà lãnh đạo được, tôi không nghe”. Với những trường hợp như vậy, anh không thù ghét, hằn học mà luôn đặt mình vào địa vị họ để cảm thông. Rồi anh nhờ những người cao tuổi, người có uy tín ở xóm làng cùng đến từng nhà nói chuyện để tạo không khí gần gũi, thân mật. Khi thấy tình cảm xích lại gần hơn, anh mới vận động tuyên truyền thuyết phục. Thành quả đáng tự hào nhất là năm 2015, Yên Nguyên đã được công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Anh Dương trăn trở, đạt được đã khó, nhưng việc duy trì thành quả cũng là vấn đề đặt ra bởi cuộc sống luôn biến động thay đổi và phát triển không ngừng, mình không nỗ lực sẽ rất dễ tụt hậu.

Trong cái nắng 40 độ C của ngày hè oi ả, anh dẫn chúng tôi đến thôn Khuôn Khoai - nơi có những vườn ớt xanh tốt. Thấy bà con đang hái ớt, trong trang phục quần áo công sở chỉnh tề, anh Dương không quản ngại đi xuống vườn ớt hái quả cùng bà con như một nông dân thực thụ. Cây ớt được đưa vào đất Yên Nguyên từ năm 2015. Đến nay, toàn xã có hơn 50 hộ trồng ớt với 19 ha. Cây ớt đã và đang làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây. 

Cùng với cây ớt, Yên Nguyên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện toàn xã có 1.001 con trâu, 6.190 con lợn và 64.115 con gia cầm... Chị Triệu Thị Minh, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên cho biết: “Năm nay gia đình trồng 2.600 m2 ớt. Sau 3 tháng chăm sóc, diện tích ớt của gia đình đã cho thu hoạch. Với giá ớt như hiện nay, 1 vụ gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Đạt được kết quả này, mình cảm ơn cán bộ lắm, với những bước đi và sự chỉ đạo đúng đắn của cán bộ, cuộc sống của bà con ngày càng đổi thay”.

Cũng giống như câu chuyện của anh Dương, hành trình làm “công bộc” của anh Triệu Phúc Phương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tri Phú cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2010 ở tuổi 28, làm Chủ tịch UBND xã với anh là niềm vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn. Sức trẻ và tâm huyết giúp anh làm việc không ngừng nghỉ. Anh tâm sự, làm “công bộc” của dân là quá trình học hỏi không có điểm dừng. Khi mới làm Chủ tịch còn bỡ ngỡ, vì vậy cũng nhiều lần được dân và các đồng chí lãnh đạo huyện nhắc nhở. Không nản chí, anh tích cực học hỏi kinh nghiệm ở người đi trước về những cách làm hay để học hỏi, những gì lớp trước chưa làm được thì nghiên cứu để rút kinh nghiệm. Trong mọi quyết sách đưa ra, anh đều bàn bạc dân chủ, công khai với các đồng chí trong Ban Thường vụ trước khi đưa ra Ban Chấp hành. Đại hội Đảng bộ xã Tri Phú nhiệm kỳ 2015 - 2020, anh Phương được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Anh chia sẻ, nhiệm kỳ này khó khăn lớn nhất là Tri Phú vẫn còn là xã nghèo, đời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, xã mới đạt được 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là thách thức lớn mà anh Phương đang nỗ lực tìm giải pháp vượt qua trong hành trình học làm “công bộc” của mình.

Đồng chí Ngô Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chiêm Hóa cho biết, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện coi trọng, nhất là phát triển nguồn cán bộ trẻ. Đội ngũ cán bộ trẻ sẽ là lực lượng kế cận, nòng cốt trong lộ trình xây dựng và phát triển của huyện. 

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục