Hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm tạo động lực để giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như hỗ trợ làm nhà ở, đất ở, đất phát triển sản xuất, vốn, cây trồng vật nuôi để người dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Từ sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước và nỗ lực từ phía người dân, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã giảm trung bình 4% năm.

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm giúp các hộ nghèo từng bước giảm và thoát nghèo. Trung Hà (Chiêm Hóa) là xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xác định công tác giảm nghèo quan trọng hàng đầu, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; sử dụng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất...

Người dân Pà Thẻn ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) được hỗ trợ trồng chè PH8
 từ nguồn vốn Chương trình 135.

Ông Ma Văn Bào, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ nguồn vốn giảm nghèo, vốn 135, xã đã thực hiện hỗ trợ cho người dân sản xuất lúa, ngô, trồng mía, trồng cam, trồng rừng. Năm 2017, diện tích lúa trên toàn xã là 640 ha, năng suất đạt 60,2 tạ/ha, sản lượng 3.854 tấn/năm; diện tích cây ngô 158 ha, đạt năng suất 46,1 tạ/ha, sản lượng đạt 728,3 tấn/năm; cây ăn quả 414,7 ha, trong đó cây cam chiếm 408 ha. Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho các hộ gia đình. Giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,6%. Xã đặc biệt quan tâm đến thôn có đồng bào Mông sinh sống. Năm 2017, xã phối hợp với khuyến nông huyện làm mô hình trồng mía thâm canh tăng năng suất ở Bản Túm, quy mô 2,35 ha, với 14 hộ đồng bào dân tộc Mông tham gia. Cây mía sinh trưởng tốt, bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho các hộ dân. Anh Thào Seo Chí trồng 4.000 ha mía theo mô hình cho biết, trước đây gia đình trồng sắn, năm nào được mùa cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Được Nhà nước hỗ trợ trồng mía, vụ đầu năm 2017, trừ mọi chi phí còn 20 triệu đồng tiền lãi. Cây mía đã thay đổi cuộc sống của người Mông, cái nghèo khó đã bớt đi nhiều.

Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của huyện Lâm Bình còn 45%, giảm gần 6%/năm. Có được kết quả này là do huyện đã thực hiện tốt các chính sách cho vay hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số làm nhà theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp các xã mở các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm và các lớp dạy nghề cho người dân trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm gắn với những đặc sản địa phương như nuôi lợn đen, vịt thả suối, nuôi trâu, bò nhốt; trồng các loại cây như giảo cổ lam, bò khai, rau ngót rừng… Gia đình ông Nguyễn Văn San, thôn Làng Chùa được hỗ trợ 7 con lợn đen theo dự án phát triển chăn nuôi lợn đen chăn thả của Chương trình 135 của huyện. Sau hơn 2 năm, gia đình ông đã phát triển, duy trì nuôi lên 50 con, mỗi năm bán 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa 50 con, trừ chi phí lãi khoảng 70 triệu đồng.

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất cũng được huyện triển khai có hiệu quả. Năm 2016, UBND huyện Lâm Bình đã thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư xen ghép theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ di chuyển 33 hộ gia đình dân tộc Mông, thôn Khổi Củng, xã Xuân Lập sinh sống rải rác trên các triền núi cao chuyển đến nơi ở tập trung. Huyện đã tập trung xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông, nước sinh hoạt và nâng cấp hệ thống thủy lợi cấp nước, phục vụ sản xuất cho nhân dân. Đến đầu năm 2017, huyện đã phối hợp với Sở Công Thương và Điện lực Tuyên Quang đưa điện lưới quốc gia về thôn Khuổi Củng. Ông Triệu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: Việc quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa đã kịp thời giúp đỡ cho người dân trong xã ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Riêng thôn Khuổi Củng, đời sống của nhân dân đã có sự đổi thay tích cực.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 8-2018, từ nguồn vốn 135 đã giải ngân trên 47,8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Trong đó đã hỗ trợ được hơn 10 nghìn hộ đồng bào DTTS là hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất (tham gia mô hình sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, máy móc, nông cụ sản xuất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đất sản xuất). Bên cạnh Chương trình 135 thì tỉnh còn hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ cho 106.351 hộ với số tiền trên 42 tỷ đồng. Từ các nguồn hỗ trợ này, nhiều mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất đem lại hiệu quả cao như: Hỗ trợ nuôi lợn đen ở Lâm Bình; phát triển trâu bò ở huyện Yên Sơn, chăn nuôi gà quy mô 30 nghìn con các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa; hỗ trợ 14 máy gieo lạc ở xã Minh Quang và xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đã đem lại hiệu quả đáng kể, giảm nhân công, tăng năng suất gieo trồng; thực hiện mô hình trồng và thâm canh cây hồng không hạt, quy mô 15 ha/42 hộ (có 14 hộ nghèo) tại các xã Đà Vị và Sơn Phú (Na Hang), bước đầu cây hồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng nên sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho thu hoạch; hỗ trợ trồng cây rau bò khai tại xã Thượng Lâm quy mô 0,2 ha và mô hình nhân giống 1.000 bầu cây bò khai tại xã Lăng Can (Lâm Bình), sinh trưởng và phát triển tốt, giá bán ổn định.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục