Gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Ông Lương Xuân Lai ở thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa được nhiều người biết đến, không chỉ vì ông là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế mà còn được biết đến bởi những nghĩa cử cao đẹp luôn sẵn sàng giúp đỡ người nghèo trong thôn trong xã.

         

Một buổi đi kiểm tra rừng.

  Sinh năm 1949 ở Hưng Yên, tuổi trẻ ông Lương Xuân Lai cũng có nhiều ước mơ, hoài bão. Tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 anh em ăn học, nên ông đành gác lại việc học để cùng mẹ đi lên vùng rừng núi Tuyên Quang này và rồi mảnh đất, con người nơi đây đã giữ ông ở lại. Sau khi lập gia đình với  một cô gái dân tộc Tày người bản địa ông Lai bắt đầu nghĩ đến việc làm kinh tế gia đình. Không quản ngại khó khăn ông bắt tay vào việc khai khẩn đất hoang thành ruộng để cấy lúa, đào ao thả cá. Bỏ ra bao mồ hôi, công sức, phải gần 20 năm sau kinh tế gia đình ông mới ổn định. Nhìn những mảnh đồi trọc trơ trụi hậu quả của việc phát rừng làm nương, ông lai cảm thấy rất đau lòng, từ đó ông đã nảy sinh ý nghĩ  là nhận những khoảng đồi trọc đó để trồng cây. Nghĩ là làm, ông mạnh dạn xin UBND xã và được phân 40ha đất đồi trọc. Có đất ông động viên vợ con bán 6 con trâu  đầu tư ươm cây giống để trồng rừng. Tích cực, cần cù lao động cùng với các con chỉ trong 5 năm ông Lai đã trồng mới được 22ha rừng chủ yếu cây mỡ, số diện tích trên 22ha còn lại được ông quản lý để rừng tái sinh. Năm 2010, khi xã có chủ trương giao đất giao rừng cho nhân dân quản lý, ông Lai đã tình nguyện hiến 22ha đất rừng tái sinh của gia đình mình để chia cho các hộ dân trong thôn. Học tập theo ông, bà con ở thôn Nặm kép đã tích cực trồng rừng, toàn bộ diện tích đất đồi trọc nay đã được phủ xanh bởi cây keo, cây mỡ. Từ năm 2005, đến nay, chỉ tích riêng thu nhập từ rừng gia đình ông Lai đã thu trên 700 triệu đồng. Hiện nay, ông đang khai thác rừng mỡ 4ha, dự tính thu khoảng  300 triệu đồng. Cùng với việc trồng lại rừng, ông Lai còn tận dụng diện tích ven lô để đưa cây sơn vào trồng. Vụ trồng rừng 2013, gia đình ông đã trồng được trên 3ha sơn. Không chỉ làm kinh tế giỏi ông Lai còn có tấm lòng rộng mở, ngoài đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở đường gần 5km đường vào rừng cây giúp cho nhiều hộ dân được hưởng lợi, ông đã tình nguyện hiến gần 500m2 đất đồi và diện tích ao cá để xã mở đường liên thôn. Hiện nay dù tuổi đã cao, nhưng ông Lai vẫn tích cực cùng con cháu đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngoài sản xuất 4.000m2 đất lúa, gia đình ông còn chăn nuôi lợn, nuôi thả cá và nuôi ong lấy mật. Mỗi năm gia đình ông cũng thu lãi trên 50 triệu đồng từ chăn nuôi. Ông cũng sẵn sàng giúp đỡ vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với những hộ gia đình nghèo.

        Chuyện ông Lai cho vay tiền, vay vàng không tính lãi, cho mượn trâu nuôi rẽ đã không còn là chuyện lạ ở thôn Nặm Kép nữa, một số hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo, giải quyết được một phần khó khăn trong cuộc sống. Gia đình chị Hoàng Thị Huyền là một trong nhiều hộ dân ở thôn Nặm Kép được ông Lai giúp đỡ cho vay tiền để chữa bệnh và lo tiền cho con đi học. Nay bệnh tình của chị Huyền đã khỏi, con trai của chị là cháu Quan Văn Tưởng đã tốt nghiệp trung cấp và đã có việc làm ổn định. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của ông Lai mà gia đình chị đã vượt qua khó khăn, nay kinh tế gia đình cũng đã khá giả hơn.

        Có thể nói, ông Lương Xuân Lai là một hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi điển hình. Thu nhập từ vườn rừng, sản xuất, chăn nuôi, ông bà đã có điều kiện chăm lo cuộc sống ổn định cho con cháu và giúp đỡ nhiều người nghèo. Ông cũng là một trong số ít hội viên người cao tuổi được Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện Chiêm Hóa  đề nghị Hội người cao tuổi Việt Nam tặng  Kỷ niệm chương  "vì người cao tuổi Việt Nam".

Hồng Nhung – Huy Dương

Tin cùng chuyên mục