“Cọn nước” nét văn hóa độc đáo của Người Tày ở Chiêm Hóa

Đã từ lâu, trong đời sống các bản người Tày ở huyện miền núi Chiêm Hóa, hình ảnh chiếc cọn nước quay tròn bên những con suối quanh những cánh đồng đã trở thành một hình ảnh đẹp và bình dị, mang đậm sắc màu và gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời. Hình ảnh những chiếc cọn nước dọc hai bên suối đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Tày nơi đây.

Cọn nước gắn bó từ bao đời nay với người Tày ở Chiêm Hóa và nó được hình thành gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào Tày ở khắp các xã trong huyện. Cọn nước có tác dụng rất lớn trong việc tưới nước cho ruộng lúa tại các cánh đồng khi điều kiện tưới tiêu còn chưa đầy đủ. Việc chế tạo cọn nước của người Tày hết sức cầu kỳ và tỉ mỉ. Muốn tạo ra một bánh xe với vòng quay lớn, người ta phải làm cẩn thận từng công đoạn. Khi làm cọn nước, thường chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng thấm nước tốt để làm trục giữa của cọn. Đồng thời, họ chọn những cây vầu già, tre hóp thân thẳng, nhỏ làm nang cọn. Tùy kích thước của cọn mà quyết định số nang và độ dài ngắn của nang.

"Cọn nước" - những công trình sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống sản xuất và sinh hoạt.

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, đồng bào dân tộc Tày ở Hà Lang đã biết khai thác tối đa nguồn thủy năng vô tận. Không chỉ giúp giảm bớt sức lao động trong việc vận chuyển nước, những chiếc cọn nước bình dị còn là những công trình sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống sản xuất và sinh hoạt. Với những người có nhiều năm kinh nghiệm làm cọn nước, mỗi chiếc cọn được hoàn thành như một công trình kiến trúc vừa giúp dẫn nước vừa mang dấu ấn riêng, có “hồn” riêng bởi nó chính là nét đẹp văn hóa. Và mỗi cọn nước đều được ví như những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Từ những loại vật liệu tự nhiên sẵn có trong rừng, trên đồi, qua bàn tay tài hoa của người dân, cọn nước được tạo nên vừa tròn trịa vừa chắc chắn. Những vòng quay miệt mài, bình dị của cọn nước cũng mang trong mình ước vọng cuộc sống đủ đầy; đồng thời cũng thể hiện năng lực vươn lên chinh phục, làm chủ tự nhiên của con người. Cọn nước cũng chính là một phần trong nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây. 

Cọn nước đã trở thành hình ảnh vô cùng thân thuộc của bản làng, thành nét đặc trưng của đồng bào Tày. Nằm bên những dòng suối xanh mát và những mái nhà sàn xinh xắn, cọn nước đã góp phần tạo nên nét đẹp rất riêng cho cảnh sắc núi rừng nơi đây. Mà nay còn trở thành một điểm đến đặc biệt cho khách du lịch khi đến với Chiêm Hóa và muốn tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc riêng có này.

Văn Linh – Ngọc Hiển

Tin cùng chuyên mục