Chủ động phòng, chống và và sẵn sàng ứng phó với dịch nCoV trong mọi tình huống

Tính đến sáng 31-1-2020, trên thế giới đã có 9.480 ca mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), trong đó có 98 ca nhiễm ngoài Trung Quốc ở 18 nước, 213 người chết. Tại Việt Nam ghi nhận 5 trường hợp dương tính với chủng virus này (2 bệnh nhân người Trung Quốc, 3 bệnh nhân người Việt Nam). Cả 3 bệnh nhân người Việt đều đang được cách ly điều trị.

Tại tỉnh ta, mặc dù chưa ghi nhận ca nào mắc nCoV, nhưng công tác phòng, chống dịch đã được các cấp, các ngành gấp rút thực hiện nhằm chủ động kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân và dịch bệnh viêm phổi Trung Quốc. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2019-2020; chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận các dịch bệnh y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực biến động về dân cư, vùng có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như: MER-CoV, cúm A (H7N9), A(H5N6), dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan rộng và kéo dài tại cộng đồng…


Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra nơi cách ly điều trị bệnh viêm phổi cấp
 do chủng mới của virus Corona gây ra khi có trường hợp nhiễm bệnh.

Trong cả nước, đến nay có 65 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã được xét nghiệm loại trừ; 32 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm; 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm vi rút nCoV.

Bác sỹ chuyên khoa II La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Y tế đã chỉ đạo tập trung rà soát trang thiết bị, nhất là máy thở khi đưa vào sử dụng phải được chạy thử để bảo đảm sử dụng hiệu quả; các trang thiết bị như: khẩu trang, găng tay, quần áo…chỉ sử dụng 1 lần. Ngành cũng đã có công văn và kế hoạch phòng chống, yêu cầu các Trung tâm Y tế, cơ sở khám chữa bệnh có các biện pháp phòng bệnh. Qua đó nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc nCoV, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc cách ly, điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây chéo tại các bệnh viện; thiết lập đường dây điện thoại nóng tại Sở Y tế và tại tất cả các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở để báo cáo diễn biến dịch bệnh, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh...

Là đơn vị y tế tuyến đầu của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch phòng, chống viêm nCoV tới tất cả các khoa, phòng. Trong đó, Khoa Cấp cứu và Khoa Truyền nhiễm là 2 đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức chẩn đoán, điều trị và quản lý những trường hợp mắc. Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, tại Khoa Truyền nhiễm đã chuẩn bị giường bệnh ở khu vực riêng biệt cùng với lực lượng nhân viên, trang thiết bị y tế, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ngay từ khâu khám sàng lọc ban đầu, các bác sỹ đã thực hiện phân luồng bệnh nhân theo quy định. Với những bệnh nhân có triệu chứng như cúm, sốt, ho, khó thở… sẽ được chuyển đến khu vực cách ly của bệnh viện để theo dõi, giám sát và điều trị.

Ở khối điều trị, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các bệnh viện đa khoa khu vực, Bệnh viện Công an tỉnh cũng đã lên các phương án giám sát, cách ly, điều trị, lấy mẫu các trường hợp viêm phổi. Cùng với đó, cập nhật chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh…

Ngành Y tế Tuyên Quang quyết tâm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, nhưng người dân không nên hoang mang, hãy cùng ngành Y tế ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh bằng các biện pháp mà Bộ Y tế đã khuyến cáo. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh viêm phổi, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Khuyến cáo: Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân tránh đến những nơi đông người; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Đồng thời, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã..

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục