Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022

Từ ngày tháng 4/2022, các chính sách mới về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, trợ cấp cho lao động ngành du lịch, tăng thời gian làm thêm cho người lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hướng dẫn giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài,… sẽ chính thức có hiệu lực.

Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Từ ngày 01/4/2022 đến 31/12/2022, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, từ ngày 01/4/2022 đến 31/12/2022, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; Giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa. Cụ thể:

Xăng, trừ etanol - Mức thuế: 2.000 (đồng/lít)

Dầu diesel - Mức thuế: 1.000 (đồng/lít)

Dầu hỏa - Mức thuế: 300 (đồng/lít)

Dầu mazut - Mức thuế: 1.000 (đồng/lít)

Dầu nhờn - Mức thuế: 1.000 (đồng/lít)

Mỡ nhờn - Mức thuế: 1.000 (đồng/kg)

Trợ cấp cho lao động ngành du lịch

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 12/2022/TT-BTC, sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 9/4/2022. Theo Thông tư này, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch như sau:

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Tăng thời gian làm thêm cho người lao động

Có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2022, Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 đã tăng giới hạn thời gian làm thêm giờ tối đa trong tháng và trong năm so với quy định tại Bộ luật Lao động 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm

Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51 % trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo Quyết định 08, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tối đa 03 tháng tiền thuê nhà.

Trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 01 triệu đồng/người/tháng.

Hướng dẫn giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài

Ngày 14/2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư này quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Về đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, Thông tư quy định nội dung đánh giá kết thúc gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định, góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật; tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định.

Ngoài ra, nội dung đánh giá còn có việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2022.

Theo tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục