Chiêm Hóa nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chiêm Hóa, năm 2016, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 3.350 lao động, đạt 101,5% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm tại địa phương cho 1.900 lao động, tuyển dụng 1.395 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước và 55 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Để đạt được những kết quả đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như dạy nghề, phát triển ngành nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn.

Cơ sở sản xuất gia công hạt cườm gỗ của anh Lý Xuân Thanh, thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa)

tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương.

Công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động tại địa phương được đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đến từng thôn, bản rà soát nhu cầu việc làm của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng kế hoạch, mở các lớp dạy nghề, đảm bảo việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở các lớp dạy nghề chủ yếu về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng nấm, ngô, lúa năng suất cao thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 18 lớp dạy nghề cho gần 1.000 lao động.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các buổi nói chuyện với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của mình. Chị Nguyễn Thị Lành, thôn Nà Lá, xã Xuân Quang cho biết, chị tham gia phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Chiêm Hóa vào đầu năm 2016. Tại đây, chị đã được các doanh nghiệp tư vấn việc làm tại chỗ, nhờ vậy mà chị đã tìm được việc làm tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Huyện luôn khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống và các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động ổn định cuộc sống. Cơ sở sản xuất gia công hạt cườm gỗ của anh Lý Xuân Thanh, dân tộc Dao đỏ, thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ được thành lập từ năm 2015 đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Thanh còn liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi để làm đại lý cung ứng nguồn cám cho các hộ gia đình. Mỗi năm gia đình anh Thanh có thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng việc tuyên truyền cho người lao động về công tác xuất khẩu lao động, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản.

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục