An Vượng truyền giữ những xe cọn

Thôn An Vượng là một trong những thôn khó khăn của xã Tân An, huyện Chiêm Hóa. Thôn có địa hình phức tạp, vào mùa mưa toàn thôn bị ngập lụt mênh mông, nhưng ngược lại mùa khô không có nước để cày cấy vì thôn chỉ có duy nhất 2 con mương nhỏ, chỉ đủ tưới cho hơn 10 ha lúa 2 vụ.

Cũng tại nơi đây, thiên nhiên đã ban cho thôn một con ngòi chạy dọc theo chiều dài của thôn, “Cái khó ló cái khôn” tận dụng sức nước của con ngòi nhân dân An Vượng đã làm nên những xe cọn có đường kính cao hàng chục mét để đưa nước lên tưới cho hàng chục héc ta cây lúa và hoa màu.

Anh Hà Văn Út bên xe cọn tự làm.

Đến nay, cả thôn còn duy trì được 26 xe cọn. Những xe cọn đó đã góp phần giúp bà con đạt được thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Toàn thôn có trên 50% hộ gia đình khá và hộ giàu, là thôn có nhiều ao hồ nhất trong toàn xã, hàng năm thôn đã bán ra thị trường hàng chục tấn cá các loại. Nói về những xe cọn thì không thể không nói đến những người đã dày công suy nghĩ để thiết kế, bảo tồn và gìn giữ những hiện vật quý giá mà từ đời ông cha đã truyền dạy.

Hiện nay, cả thôn chỉ còn hơn 10 người biết thiết kế và làm nên được những xe cọn này, như anh Hà Văn Thân, Hà Văn Út, Hà Văn Chung và một số người khác.  Anh Hà Văn Út - người đang lưu giữ cách làm xe cọn, anh cho biết. “Làm được một xe cọn quay và đưa được những ống bắng nước đưa lên đổ vào máng và có nước để đi tưới là cả một quá trình khó khăn. Muốn có một xe cọn thì gia đình phải chuẩn bị trước các loại vật liệu đầy đủ, như hơn 100 cây hóp, tre độc gộc khoảng hơn 20 cây, dây néo buộc.vv...  tính giá trị vật liệu phải mất hơn 4.000.000 đ. Riêng công để làm hoàn thành một xe cọn phải mất hơn 100 công, mà một mình không thể làm được, gia đình phải nhờ những người trong thôn biết làm để đổi công cho nhau. Nhưng khi làm xe cọn xong, vô tình có một trận mưa lũ lớn thì coi như công cốc luôn”. 

Những bàn tay khéo léo, miệt mài cùng với sự kiên trì của những con người làm được những xe cọn, ngày đêm đưa những ống nước đổ lên giàn xe cọn, đó là cả một quá trình nghiên cứu, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của những người có tâm với khoa học nông nghiệp gia truyền. Những thửa ruộng cao hàng chục mét chênh vênh chạy dọc theo con suối, nhưng vẫn có những dòng nước mát ngày đêm tưới cho những cây lúa, cây ngô xanh mướt, những đàn cá bơi lội trong những ao hồ mênh mông đem lại sự sung túc bội thu cho cuộc sống của bà con. Công sức của những người nghiên cứu và làm được những xe cọn thật đáng trân trọng. Mùa này sang mùa khác, nơi đây sẽ là nơi lưu truyền và bảo tồn, gìn giữ mãi mãi những xe cọn. Đó như một sự tri ân công lao to lớn của các bậc cha ông đã truyền dạy cho muôn đời sau.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục