Chiêm Hóa, nơi lưu giữ hồn quê

Nằm cách thành phố Tuyên Quang gần 70 km về phía Bắc, huyện Chiêm Hóa là nơi cư ngụ của 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sưu tầm, khai thác những làn điệu nghệ thuật văn hóa mang sắc thái từng dân tộc sinh sống trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày ở các xã; lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao; mở các lớp truyền dạy hát Then, đánh đàn Tính, đưa hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào trường học để giữ gìn…


Các thành viên đội văn nghệ quần chúng xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) luyện tập hát Then.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện là ngôi nhà chung của học sinh các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Cùng với việc trang bị kiến thức cho các em, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện đã mời những “cây cao bóng cả” trong loại hình nghệ thuật hát Then để mở các lớp dạy hát Then cho học sinh nhà trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then của trường cho biết, thông qua lớp truyền dạy hát Then nhiều học sinh nhà trường đã biết hát Then và đánh đàn Tính, hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Từ đó, góp phần duy trì và bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. 

Huyện còn xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hát Then, đàn Tính trên địa bàn huyện Chiêm Hóa giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, thực hiện Đề tài nghiên cứu bảo tồn hát Then, Cọi gắn với việc xây dựng Làng văn hóa du lịch tại thôn An Thịnh, xã Tân An; phối hợp với UBND xã Tân An thực hiện Đề án Xây dựng làng văn hóa du lịch tại thôn An Thịnh, xã Tân An gắn với việc bảo tồn các làn điệu hát Then, Cọi. Cùng với đó, huyện thực hiện đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình…

Đến thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình hôm nay, nhiều du khách ngỡ ngàng bởi cảnh quan nơi đây, những mái nhà sàn truyền thống được giữ gìn và làm đẹp cho khu di tích. Ông Sằm Văn Chu, dân tộc Tày, chủ nhân ngôi nhà sàn truyền thống ở thôn Bó Củng, xã Kim Bình nói, gia đình ông cùng một số hộ trong thôn trước đây đã được hỗ trợ một phần kinh phí và vận động giữ lấy mái nhà truyền thống, tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan. Nhờ có nhà sàn truyền thống rộng rãi, sạch đẹp, gia đình ông còn phát triển dịch vụ Homestay góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện hiện nay, toàn huyện có 508 đội văn nghệ quần chúng, có 44 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính dân ca, dân vũ. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả đã góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc.

Năm 2019 lượt khách du lịch đến Chiêm Hóa đạt mốc hơn 110 nghìn lượt, tăng hơn 4 nghìn lượt so với năm trước. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho thấy việc phát huy những lợi thế, trong đó có lợi thế về văn hóa đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.  

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục