Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có quyết định phê duyệt dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên cho trâu của Việt Nam và sẽ là tiền đề để sản phẩm trâu của Tuyên Quang vươn tầm lên và tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước.

Là hộ chăn nuôi trâu số lượng lớn nhiều năm nay, anh Đặng Hữu Hà, xã Hùng Mỹ rất vui mừng khi biết tin sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Hiện nay anh duy trì thường xuyên 10 con trâu nuôi vỗ béo, trung bình mỗi con bán ra khoảng 48-50 triệu. Giá cả ổn định nên a rất yên tâm chăn nuôi. 

Mô hình nuôi trâu vỗ béo anh Đặng Hữu Hà, xã Hùng Mỹ.

Xã Hùng Mỹ là một trong các địa phương có thế mạnh về phát triển chăn nuôi trâu và đã xây dựng thương hiệu 3 sao cho sản phẩm “thịt trâu Hùng Mỹ”. Cho đến hết tháng 9/2021, tổng đàn trâu toàn xã có 1.906 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 83 tấn/69 tấn đạt 120,3%KH. Để đảm bảo cho việc phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa, xã tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với việc xây dựng thương hiệu thịt trâu Hùng Mỹ. 

Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ.

Đến hết tháng 9/2021, toàn huyện Chiêm Hóa có đàn trâu trên 24.750 con. Từ nhiều năm qua, huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, Sở Khoa học và Công nghệ, các dự án phát triển nông nghiệp triển khai dự án tuyển chọn, nhân thuần, nâng cao tầm vóc, trọng lượng đàn trâu ngố Chiêm Hóa. Đã có hàng nghìn con trâu cái được phối giống từ những con trâu đực được chọn lọc, chuyển vùng, nhờ đó đàn trâu f1, f2, f3 ra đời có tầm vóc, trọng lượng khi trưởng thành đạt yêu cầu đề ra. Hiện nay, tầm vóc trâu ngố của huyện Chiêm Hóa có trọng lượng từ 500 -700 kg. Đây là trọng lượng lý tưởng cho phát triển đàn trâu thịt hàng hóa chất lượng cao..

Chăn nuôi trâu sinh sản theo phương pháp thụ tinh nhân tạo góp phần nâng cao tầm vóc trâu địa phương.

Việc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có quyết định phê duyệt dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa có ý nghĩa quan trọng để Chiêm Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn trâu theo chuỗi giá trị, phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho dân, phát triển kinh tế địa phương.  Huyện cũng đặt ra yêu cầu khi sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sẽ hình thành được vùng sản xuất trâu tập trung tại xã Hùng Mỹ và xã Vinh Quang. Liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, gắn với việc tiêu thụ sản phẩm. Đây là tiền đề để sản phẩm trâu của Chiêm hóa cũng như trâu Tuyên Quang vươn xa  hơn nữa và tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước./.

Tài Tùng - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục