Trung Hà, 03 hộ dân nuôi thí điểm cá dầm xanh

Để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản, huyện Chiêm Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp giúp đỡ về vốn vay, kỹ thuật, con giống, khuyến khích bà con phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều mô hình sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi thuỷ sản, giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, việc triển khai nuôi thí điểm loài cá đặc sản dầm xanh tại ao nuôi của một số hộ gia đình ở xã Trung Hà.

Gia đình ông Bàn Văn Hùng  ở thôn Nà Dầu là hộ tiên phong tham gia mô hình nuôi cá dầm xanh ở xã Trung Hà. Ông Hùng cho biết: Loài cá này trước đây sống ngoài tự nhiên rất nhiều. Trước đây loài cá này chỉ nuôi để làm cảnh, bởi giống cá này ăn ít và phải mất 2 đến 3 năm cá mới lớn bằng cá trắm cỏ nuôi 1 năm, tuy dễ nuôi nhưng nhất thiết phải cần nguồn nước sạch và có nước chảy ra vào hàng ngày. Khi huyện có chủ trương nuôi thí điểm loài cá này ông Hùng đã mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện dự án. Với lợi thế có sẵn ao nuôi rộng trên 2.000 m2,  tháng 8/2013, gia đình ông được Phòng NN&PTNT Chiêm Hóa cung cấp trên 1.200 con cá giống để nuôi. Đến nay, sau gần 1 năm, những con cá dầm xanh giống ngày nào chỉ nhỉnh hơn que tăm, nay đã có trọng lượng hơn 1kg. Ông Hùng cho biết thêm: Để chủ động về nguồn thức ăn, ông Hùng  dành 500 m2 đất trồng cỏ voi. Đặc biệt dầm xanh nổi tiếng ăn tạp, ngoài chất tanh chúng cũng rất thích quả sung chín, lá chuối, lá sắn …Hằng ngày tiếng băm thức ăn bằm bặp trên thớt như phản xạ có điều kiện khiến cả đàn kéo đến chầu mồi. So với những loài cá khác, cá dầm xanh có khả năng kháng bệnh tốt, không bị chết do thời tiết rét.

Ao nuôi thí điểm cá dầm xanh của  ông bà Hùng Thái ở thôn Nà Dầu xã Trung Hà.

Tham gia nuôi thí điểm nuôi cá dầm xanh ở Trung Hà còn có nhiều hộ gia đình khác như: Bàn Văn Vinh, Nông Văn Gia…  với quy mô mỗi hội nuôi hơn 1.000 con đều đến nay đều cho kết quả tốt, tỉ lệ sống đạt trên 95%. Theo Ông Ma Đức Rèn, Phó chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết: Trong chiến dịch chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, xã chúng tôi đã chủ trương phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho bà con đưa loài cá Dầm Xanh về nuôi. Mô hình nuôi thí điểm cá dầm xanh tại xã cũng là một trong những hướng đi mới giúp người dân trong xã vừa tận dụng được nguồn nước vừa có thu nhập. Trong quá trình chăn nuôi hơn 1 năm qua, lãnh đạo huyện Chiêm Hóa, lãnh đạo xã Trung Hà đã tích cực xuống tham quan, động viên bà con. Mặc dù chưa đủ điều kiện xuất bán ra thị trường nhưng qua quá trình chăm sóc nhận thấy loài cá này rất phù hợp với ao nuôi của cả 03 hộ. Tới đây xã cũng đã có chủ trương nhận rộng mô hình nuôi cá dầm xanh ở các thôn bản khác và sẽ áp dụng ở những ao nuôi có điều kiện thích hợp.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển thủy sản trên địa bàn, bên cạnh việc nuôi thí điểm giống cá dầm xanh trên địa bàn xã Trung Hà. Huyện Chiêm Hóa đã và đang triển khai thực hiện thí điểm nhiều dự án chăn nuôi thủy sản, đưa vào nhiều con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào nuôi trồng như: Nuôi cá chép ruộng vụ đông, nuôi cá xen lúa vụ xuân, nuôi cá rô phi đơn tính, cá bỗng, cá chiên… Từ những mô hình nhỏ, không được đầu tư bài bản, cho lãi thấp thì đến nay, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện những mô hình nuôi thủy sản lớn, mang tính tập trung, thu lãi cao và ổn định, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù chưa đến thời kỳ xuất bán nhưng theo đánh giá tại 03 hộ nuôi thí điểm thì giống cá dầm xanh ở xã Trung Hà tương đổi phù hợp với ao nuôi. Thành công của những mô hình này sẽ là cơ sở để Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn,  UBND xã Trung Hà khuyến khích người dân mở rộng mô hình này theo hình thức nuôi thâm canh tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế từng bước giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

                                                     

Ngọc Hiển - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục