Tri Phú chú trọng phát triển các mô hình kinh tế gia đình

Khai thác tiềm năng thế mạnh vùng, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất là một trong những yếu tố nâng cao thu nhập cho người dân theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, xã Tri Phú đã quan tâm đầu tư, tập trung các nguồn lực nhằm phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, mang lại hiệu quả cao. Từ đó đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của gia đình anh Seo Văn Dự thôn Lăng Pục, xã Tri Phú vô vàn khó khăn nhưng với sự năng động, chịu thương chịu khó của mình, anh đã bàn với vợ đầu tư vào chăn nuôi. Năm 2006, gia đình anh chị bắt đầu chăn nuôi lợn thịt nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên đàn lợn của gia đình phát triển chậm. Không nản lòng, anh Dự đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ở nhiều nơi rồi về áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Đến nay, gia đình anh chị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn khá hiệu quả, mỗi năm xuất bán 3 lứa, mỗi lứa từ 60 đến 70 con lợn thịt. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi, gia đình anh chị đã đầu tư xây hầm biogas, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, anh chị kết hợp với chăn nuôi gà thịt, mỗi lứa nuôi từ 800 đến 1000 con. Mỗi năm trừ chi phí sản xuất đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Dự gần 200 triệu đồng… Nhờ đó, gia đình anh có điều kiện cho con học hành đến nơi đến chốn, có điều kiện để mua sắm các vật dụng cho gia đình. 

Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Seo Văn Dự thôn Lăng Pục, xã Tri Phú.

Nhờ tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn của địa phương tổ chức cùng với sự tích lũy được kinh nghiệm từ thực tế, nên gia đình anh Đặng Văn Phương, thôn Nà Còng, xã Tri Phú đã tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và từ nguồn lựccủa gia đình để tập trung đầu tư vào chăn nuôi gà và đã mang lại thu nhập trên 90 triệu đồng. Anh Phương cho biết: Mỗi năm gia đình anh nuôi từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 1.500 đến 2.000 con. Do biết cách phòng trừ bệnh kịp thời nên trại gà của gia đình không có dịch bệnh xảy ra. Từ đó, gia đình anh yên tâm đầu tư chuồng trại để mở rộng chăn nuôi.

Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, xã Tri Phú đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất. Tích cực phối hợp với đoàn thể tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Đến nay, xã Tri Phú có 59 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, doanh thu từ các mô hình bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Việc phát triển các mô hình kinh tế không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển theo hướng bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2014 là 37,65% xuống còn 29,7% cuối năm 2015. Cùng với đó, việc đưa loại hình kinh tế này trở thành một trong những nguồn thu nhập đáng kể cho người dân sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tri Phú theo lộ trình.

Trang trại nuôi gà của gia đình anh Đặng Văn Phương, thôn Nà Còng, xã Tri Phú.

Với việc phát triển các mô hình kinh tế gia đình xã Tri Phú đã và đang dần được khẳng định được hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao cho người dân. Việc khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình điển hình sẽ tạo tiền đề trong mục tiêu phát triển kinh tế của xã Tri Phú một cách bền vững./

 

Nguyễn Bình - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục