Nỗ lực trong thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất ở xã Vinh Quang

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới xã Vinh Quang có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn nhất khi thực hiện các tiêu chí, và tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, là một trong những tiêu chí khó thực hiện và có sức ảnh hưởng nhất vì tiêu chí này chi phối đến nhiều lĩnh vực khác như thu nhập, cơ cấu lao động, việc làm…

Với nội dung tiêu chí nêu rõ, mỗi xã nông thôn mới phải có ít nhất một Hợp tác xã hay Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Để từ đó, giúp cho bà con nông dân trong các tổ chức này thuận lợi hơn đối với việc sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản của chính mình, tránh tình trạng làm ăn bấp bênh, thiếu tính ổn định. Vừa qua, xã đã cơ cấu lại Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp, tổ chức Đại hội kiện toàn Hội đồng quản trị và củng cố thành viên Hợp tác xã theo Luật HTX 2012 với 22 xã viên tham gia. Ông Phạm Ngọc Quảng, xã viên Hợp tác xã  cho biết: Xu thế ngành chăn nuôi ngày nay muốn “thuận buồm xuôi gió” thì buộc người nông dân phải liên doanh, liên kết. Ở đó sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm để những người chăn nuôi học hỏi, đồng thời giúp nhau tạo đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, các ông đã mạnh dạn tham gia vào Hợp tác xã. Bản thân ông Quảng cũng như các thành viên trong gia đình đã sống bằng nghề chăn nuôi lợn gàn 20 năm nay. Bắt đầu từ năm 2000, gia đình ông Quảng chăn nuôi cới quy mô nhỏ từ 5 đến 10/lứa. Cứ thế, trải qua nhiều năm, có chút kinh nghiệm và đồng vốn trong tay, đến nay ông Quảng mở rộng diện chuồng trại chăn nuôi lên gần 300m2, trong chuồng luôn duy trì từ 80 đến 150 con thịt/lứa và 10 con lợn nái. Bình quân, mỗi năm gia đình ông xuất bán được 4 lứa lợn thịt, thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Có thể nói, với cách thức chăn nuôi theo kiểu cuốn chiếu, khép kín từ con giống đến lúc xuất bán của gia đình ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó cũng là một trong những điều kiện khá thuận lợi khi gia đình ông tham gia vào Hợp tác xã, bởi trước đây khi chưa tham gia vào Hợp tác xã, gia đình ông cũng như các thành viên trong chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên không có kinh nghiệm chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng từ khi vào Hợp tác xã, bản thân được tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giúp cho đàn lợn lớn nhanh. Đặc biệt, Hợp tác xã còn tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro.

  Mô hình nuôi lợn  của gia đình ông Phạm Ngọc Quảng, thôn Quang Hải  xã Vinh Quang.

 Ông Phạm Văn Thụ, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp xã Vinh Quang cho biết: Hoạt động của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Vinh Quang hiện nay chủ yếu vào tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng để phục vụ sản xuất; cung ứng thức ăn gia súc, con giống, dịch vụ kỹ thuật. Hiện nay, Hợp tác xã Vinh Quang có hàng chục mô hình chăn nuôi của các xã viên có quy mô từ 100 đến trên 500 con lợn/lứa, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ chăn nuôi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đổng/năm. Cùng với đó, Hợp tác xã còn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ xã viên về cây, con giống, tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác dự tính, dự báo về sâu bệnh hại trên cây trồng, quản lý chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức tốt các dịch vụ như: làm thủy lợi nội đồng, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất giống, bao tiêu nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Vinh Quang đã  thể hiện được vai trò nòng cốt của mình trong phát triển sản xuất của địa phương, góp phần hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Hải Hà - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục