Hạn chế thiệt hại do úng ngập lúa mùa

Thời gian gần đây, mưa lớn diện rộng liên tiếp xảy ra gây ngập úng hàng trăm héc-ta rau màu và lúa mới cấy. Để hạn chế thiệt hại, các địa phương tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện những biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của mưa lũ đối với cây trồng, nhất là diện tích lúa mùa.

UBND xã Tân An (Chiêm Hóa) đang huy động tối đa phương tiện, nhân lực vệ sinh đồng ruộng, nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông các đoạn suối chảy qua địa bàn. Ông Ma Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, do địa hình chia cắt bởi hệ thống suối nhỏ, đặc biệt nhiều diện tích đất canh tác của bà con nằm ở vùng trũng sâu. Do đó, nếu không khơi thông hệ thống mương, suối khi mưa lớn xảy ra, nước đầu nguồn dồn về ứ đọng dễ xảy ra ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con.


UBND xã Tân An (Chiêm Hóa) huy động máy múc khơi thông dòng chảy
trên các đoạn suối trên địa bàn xã.

Bà con nông dân xã Thượng Ấm (Sơn Dương); Trung Môn (Yên Sơn) chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ra đồng nếu mưa lớn xảy ra. Ông Hà Văn Kỉn, thôn 1, xã Trung Môn cho biết, toàn bộ diện tích đất canh tác của gia đình ông và bà con thôn 1 đều nằm trong vùng trằm thụt, vào mùa mưa, nước từ khắp các khu vực dồn về ngây ngập úng. Ông Kỉn chia sẻ, những năm trước cứ mưa lớn là ngập úng gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa mùa, bà con phải gieo lại lúa đến lần thứ 2. Năm 2019, thôn đã được tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống kênh mương đúc sẵn, bà con chủ động nạo vét nước đổ về đến đâu tiêu thoát ra hồ đến đó nên đã giảm thiểu được thiệt hại.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, đang là cao điểm mùa mưa bão nên sau mỗi đợt mưa lớn nhiều diện tích lúa, hoa màu của bà con ở các vùng trũng, vùng ven sông, suối bị ảnh hưởng. Trận mưa lớn ngày 28,29, 31-7 và  ngày 20, 21-8 vừa qua trên địa bàn tỉnh mưa lớn đã gây úng ngập cục bộ trên 200 ha lúa và cây màu. Hạn chế biệt hại, ổn định sản xuất, chi cục yêu cầu Ban Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi tỉnh chỉ đạo Ban quản lý khai thác công trình hồ thủy lợi Ngòi Là, Hoàng Khai và các ban quản lý cơ sở thường xuyên tổ chức nạo vét bùn đất ứ đọng trên hệ thống kênh mương, gia cố các cửa ống cống để nước được tiêu thoát. 

 Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chuyên môn, ông Thanh đề nghị bà con nông dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh kênh mương, ống cống và hệ thống suối. Thực tế qua kiểm tra tại một số địa phương bà con vẫn xả rác thải xuống hệ thống kênh mương, cửa cống, gây ách tác dòng chảy, làm ô nhiễm môi trường sống, môi trường sản xuất. 

Dự báo tình hình mưa lũ năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khả năng xảy ra ngập úng ở một số vùng trũng, thấp đúng thời điểm lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái, làm đòng. Giảm thiểu ảnh hưởng của mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các huyện, thành phố, các địa phương tập trung hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp tiêu úng, tổ chức chăm sóc kịp thời bón thúc đợt 2 để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt; bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu, bệnh hại, trong đó đặc biệt chú ý đến bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân. Khi xảy ra ngập úng, bà con khẩn trương tháo nước nhanh, kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục