Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2025, huyện Chiêm Hóa đã quy hoạch, triển khai có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, đề án, chính sách phát triển sản phẩm lợi thế nhằm thúc đẩy sản xuất. Từ đó, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có giá trị kinh tế cao.


Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh, huyện Chiêm Hóa thăm mô hình trồng ớt tại xã Tân Thịnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện Chiêm Hóa đạt trên 2.526 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp đạt trên 1.405 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt gần 334 tỷ đồng, thủy sản đạt trên 61 tỷ đồng... Kết quả trên cho thấy huyện đã bám sát các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đề ra giải pháp cụ thể, sát với thực tế, tập trung vào các cây con chủ lực có giá trị kinh tế cao. Các chỉ tiêu chủ yếu thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản như: cây lạc, cây ăn quả, trồng rừng tập trung, chăn nuôi đại gia súc ngày càng tăng cao. Các vùng chuyên canh tập trung tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Chiêm Hóa đã tập trung phát triển, nâng cao các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương như cây lạc, cây mía, cây cam, chuối. Hiện nay, toàn huyện có trên 673 ha cam, năng suất trên 12 tấn/ha, sản lượng trên 6.822 tấn; diện tích mía nguyên liệu trên 2.000 ha/năm, sản lượng trên 219.000 tấn; diện tích lạc trồng 2.707 ha, sản lượng trên 8.900 tấn; cây chuối diện tích trên 1.000 ha, sản lượng trên 8.000 tấn...

Đi đôi với trồng trọt, ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo quy mô trang trại, gia trại tập trung. Huyện đã chỉ đạo chuyển sang các loại giống gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế địa phương gắn thị trường tiêu thụ, trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với đàn trâu trên 28.900 con, huyện thực hiện duy trì đàn trâu theo hướng phát triển ổn định, bền vững, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống và phát triển trâu hàng hóa tại các xã trên địa bàn huyện. Phát triển thương hiệu “Trâu Chiêm Hóa”. Đến hết quý II-2020, toàn huyện có 17 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu tập trung từ 10 con trở lên.

Chăn nuôi thủy sản được huyện quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là chăn nuôi cá đặc sản bằng lồng, bè trên sông, hồ như cá chiên, cá lăng. Huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025. Tổng diện tích nuôi thủy sản 1.208 ha. Trong đó, diện tích nuôi trên hồ thủy điện Chiêm Hóa 446 ha, diện tích ao hồ là 762,5 ha. Toàn huyện có 505 lồng, bè nuôi các loại thủy sản, trong đó 55 lồng cá đặc sản (cá chiên, cá lăng chấm), 54 lồng cá có giá trị kinh tế cao cá diêu hồng, cá quả... và 396 lồng cá truyền thống. Sản lượng thủy sản đạt trên 2.110 tấn/năm, trong đó, giá trị sản xuất cá đặc sản chiếm 32% tổng giá trị sản phẩm thủy sản.

Đối với công tác trồng rừng, huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ, sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có 37.268 ha, trong đó đã thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC trên 6.466 ha. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 441,7 tỷ đồng/năm.

Trước kia gia đình ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ chỉ chăn nuôi trâu theo hình thức nhỏ lẻ 1 đến 2 con/năm. Khi được UBND xã triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tổ chức cho nhân dân đi học tập các mô hình ở tỉnh bạn; ông Tuyên đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng sắn, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ, đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò nhốt. Lứa đầu tiên, ông nuôi 5 con trâu, bò, sau 3 tháng ông bán, thấy có lãi, ông tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Sau gần 4 năm thực hiện mô hình, từ 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, ông đã thành lập Hợp tác xã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông có 17 con trâu, bò vỗ béo, sinh sản. Ông Tuyên cho biết, thời điểm cao nhất, gia đình ông có gần 30 con trâu, bò trong chuồng.

Cũng giống như gia đình ông Tuyên, các hộ dân thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên trước đây chỉ chăn nuôi cá nhỏ lẻ, tự phát. Từ khi tham gia Hợp tác xã thủy sản, toàn bộ cá giống các hộ nuôi đều được nhập từ Trung tâm Thủy sản tỉnh để đảm bảo chất lượng, sản phẩm làm ra được liên kết tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Thiết, thôn Hợp Long 2, cho biết: “Gia đình tôi nuôi cá truyền thống mấy chục năm nay, giống cá con chủ yếu đánh bắt từ sông, nên mỗi lứa nuôi chỉ vài chục con/chuồng. Tham gia hợp tác xã, con giống chúng tôi nhập từ trung tâm uy tín, chất lượng đảm bảo, gia đình tôi nâng số lượng con giống từ vài chục con/lứa lên vài trăm con/lứa. Từ đó, thu nhập cũng nâng lên”.

Đồng chí Ma Phúc Khứu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều sản phẩm chủ lực mang lại giá trị cao cho người dân, thời gian tới ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu các nông sản mới và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển vùng sản xuất tập trung, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng qua các năm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.          

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục