Đưa hàng Việt về nông thôn, đưa nông sản ra thị trường

Sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong sử dụng hàng Việt mà còn góp phần thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ở các địa phương đã chú trọng xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa để đưa ra thị trường.

Khách hàng lựa chọn các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ trong nước tại Siêu thị Tuyên Quang.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ đã phối hợp cùng các ngành, địa phương mở rộng các kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững tại các chợ, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong 10 năm qua, tỉnh đã xây dựng 9 mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại các huyện, thành phố trong tỉnh; tổ chức 137 hội chợ trên địa bàn tỉnh, huy động trên 6.200 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày, bán hàng, giới thiệu sản phẩm; tổ chức 21 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều phiên chợ miền núi tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thu hút 300 lượt doanh nghiệp tham gia, với trên 600 gian hàng. Một số doanh nghiệp trong tỉnh như: Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang, Công ty TNHH Vũ Công, Công ty TNHH Khai Hoa đã đầu tư, đưa vào kinh doanh khai thác các loại hình kinh doanh mới như Trung tâm thương mại - chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, trong đó tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm phần lớn trong sản lượng hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua đó, đã giúp người dân được tiếp cận, mua sắm và sử dụng các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước.

Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư thực hiện các dự án sản xuất mặt hàng mới, mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu hàng hóa. Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè như: Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty Cổ phần Chè Tân Trào đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” liên tục những năm gần đây. Qua đó, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang nói riêng. 

Một điểm nhấn khác trong thực hiện Cuộc vận động ở tỉnh ta là việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp từ các vùng nông thôn ra thị trường. Chị Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Bình chia sẻ: Hội đã vận động chị em phụ nữ sản xuất nông sản sạch như: Chè Khau Mút, chăn nuôi lợn đen, gà ta, nuôi cá đặc sản, thực hiện mô hình "Mỗi gia đình hội viên có một vườn rau xanh", trồng và cung cấp rau sạch cho gia đình và thị trường ở nông thôn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng như: Cây rau ngót rừng, rau bồ khai, giảo cổ lam... Hội còn khuyến khích hội viên phụ nữ có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng homestay. Nổi bật như mô hình Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh do chị Trịnh Thị Thảo, hội viên phụ nữ thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà làm Giám đốc, chuyên sản xuất các sản phẩm như: Cốc, ấm chén, đũa, thìa, giỏ, làn, nón... làm từ tre, mây, tế, thân cây cau sẵn có ở địa phương, sản phẩm đã từng bước được thị trường đón nhận.

Đồng chí Triệu Đức Long, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Chiêm Hóa cho biết: Huyện đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm của địa phương nhằm khai thác mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của huyện gắn với thị trường tiêu thụ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm địa phương nhằm từng bước hỗ trợ các hợp tác xã, các cơ sở, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đầu tư hình thành các cơ sở chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Trên địa bàn huyện đã có mô hình sản xuất hiệu quả: Mô hình liên kết chăn nuôi trâu thịt tập trung an toàn sinh học (xã Vinh Quang, Hùng Mỹ); mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bằng giống lúa chất lượng cao; xây dựng và phát triển thương hiệu Bánh gai Chiêm Hóa, trâu Chiêm Hóa, lạc Phúc Sơn (Chiêm Hóa).

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục