Đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Chiêm Hóa

Hiện nay, toàn huyện có 419 lồng nuôi cá các loại, trong đó có 136 lồng ca đặc sản như cá bỗng, cá lăng, cá chiên... Sản lượng thủy sản toàn huyện ước đạt 1.000 tấn/năm. Đây cũng là một trong những hướng phát triển kinh tế mới của huyện nhằm giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Năm 2013, khi Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa chính thức đi vào hoạt động, với lợi thế sẵn mặt nước, gia đình ông Hà Minh Giang ở thôn Nà Tiệng xã Yên Lập đã đầu tư trên 50 triệu đồng bằng vốn tự có của gia đình để nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình thực hiện, gia đình ông Giang đã gặp không ít những khó khăn về kinh nghiệm chăm sóc, vốn liếng, song với sự quyết tâm, kiên trì, qua nhiều lần được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản do địa phương tổ chức, đồng thời ông tích lũy kinh nghiệm sau mỗi lần đi thực tế thăm các mô hình nuôi cá lồng ở một số địa phương trong và huyện, học hỏi qua sách, báo, các phương tiện đại chúng... từ đó cho đến nay mô hình cá lồng của gia đình ông ngày càng phát triển, tăng cả về quy mô và sản lượng cá. Năm 2015, thực hiện Dự án TNSP, gia đình ông được hỗ trợ 80% kinh phí để làm lồng có thể tích 108m3 nuôi cá bỗng, cùng với đó gia đình ông được Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng đầu tư thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông Giang có 11 lồng cá rô phi, cá trắm, bỗng và cá chim. Do chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, nhờ đó mà đàn cá của gia đình nhanh lớn, không có dịch bệnh. Dự kiến vào cuối tháng 7 này, gia đình ông sẽ xuất bán từ 3 đến 5 lồng lồng, ước đạt gần 5 tấn cá thương phẩm.

 

Các đồng chí lãnh đạo huyện Chiêm Hóa thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

 của anh Bùi Mạnh Hùng tại xã Yên Lập.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, những năm qua trên địa bàn xã Yên Lập đã và đang rất phát triển nghề nuôi cá lồng tại khu vực lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, tính đến nay toàn xã có trên 100 lồng cá các loại, trong đó có khoảng hơn 30 lồng nuôi các loài cá đặc sản như cá bỗng, cá chiên. Năm 2015, sản lượng cá đạt gần 100 tấn, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng, điều nay đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã xuống còn 48% năm 2015 (theo tiêu chí cũ). Theo ông Sầm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển triển kinh tế, nhưng bà con nông dân vẫ kiên trì và không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản để mang lại gia trị kinh tế cao, phấn đấu đến năm 2020 nâng mức thu nhập bình quân đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm.

Để hướng người dân đến việc nuôi cá lồng theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, cơ quan chuyên môn của huyện đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đồng thời Phòng NN&PTNT huyện xây dựng  Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng với các loài cá đặc sản; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân được vay vốn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả. Có thể khẳng định, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa là hướng đi đúng, cơ bản giải quyết vấn về việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Mong rằng thời gian tới, các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng vững chắc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo bền vững./.

 

Hải Hà - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục