Đầu ra cho sản phẩm chuối tây gặp “khó”

Đối với nhiều xã của Yên Sơn, Chiêm Hóa, cây chuối tây từng một thời là “cứu cánh” cho người nông dân, vì giá ổn định, đầu ra được đảm bảo, đây cũng là cây trồng có chi phí thấp, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, thị trường cho sản phẩm này đang dần thu hẹp lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 2.107 ha chuối, tập trung tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, sản lượng quả khoảng 8.000 tấn. Với đặc điểm dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, trong những năm qua, cây chuối không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây trồng giúp người dân nhiều địa phương làm giàu. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường tiêu thụ loại quả này rất chậm, giá bán chỉ đạt khoảng 2.000 đồng/kg.

Chiêm Hóa có hơn 1 nghìn ha chuối tây, tập trung nhiều ở các xã Tri Phú, Linh Phú, Vinh Quang, Kim Bình. Lúc cao điểm, giá mỗi kg chuối tây đạt từ 6-7 nghìn đồng, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, mức giá này chỉ còn khoảng 1/3, khiến người trồng chuối tại nhiều địa phương không mấy mặn mà với việc thu hoạch.


Một điểm thu mua chuối ở xã Trung Trực (Yên Sơn) cung cấp cho các chợ đầu mối trong nước.

Ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 400 ha chuối tây. Lâu nay, sản phẩm chuối của bà con trong xã đều được xuất khẩu sang Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp nào trong nước, trong tỉnh tìm thu mua để chế biến. Từ sau khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh, cộng với thời tiết mưa nhiều, người trồng chuối ở Kim Bình gần như bỏ chuối trên đồi, không thu hoạch nữa. Theo ông Bắc, trước đây, mỗi ngày, lượng chuối xuất bán tại xã đạt từ 20-30 tấn thì giờ có khi cả tuần mới có 1 xe ô tô 15 tấn đến chở chuối cung cấp cho một số chợ đầu mối trong nước.

Bà Phạm Thị Vượng, thôn Đồng Ẻn, xã Kim Bình cho biết, từ đầu năm đến giờ, gia đình bà gần như không có thu nhập gì từ 1 ha chuối, trong khi những năm trước, nguồn thu từ cây trồng này mỗi năm cũng đem lại cho gia đình bà trên dưới 100 triệu đồng. Hiện tại, trên địa bàn xã Kim Bình có một hợp tác xã sản xuất sản phẩm rượu chuối và một số cơ sở chế biến chuối sấy dẻo, nhưng công suất không đáng là bao so với sản lượng của cả xã, chỉ khoảng vài tạ quả/mẻ. Nếu tình hình không cải thiện, việc người dân bỏ cây chuối tây chuyển sang các cây trồng khác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cũng như ở Kim Bình, người trồng chuối ở nhiều xã như Trung Trực, Kiến Thiết, Xuân Vân… của Yên Sơn cũng đang gặp khó khi thị trường, giá bán loại quả này đang chạm đáy. Theo lãnh đạo UBND xã Kiến Thiết, hiện giá bán mỗi kg chuối chỉ còn chưa đầy 2 nghìn đồng/kg loại quả to. Qua nắm bắt tình hình thực tế, lãnh đạo xã Kiến Thiết nhận định, nếu không có giải pháp căn cơ để kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, người dân sẽ phá bỏ hoàn toàn 60 ha cây chuối tây để chuyển đổi sang cây trồng khác. 

Anh Nguyễn Như Hoàn, thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân (Yên Sơn) làm nghề thu mua chuối hơn 10 năm nay. Vào mùa thu hoạch, anh thường đến các xã Kiến Thiết, Kim Bình, Trung Trực, Xuân Vân thu mua và xuất bán qua cửa khẩu Tân Thanh, Thanh Thủy, trung bình mỗi ngày anh thu mua hơn 20 tấn chuối chuyển lên biên giới. Tuy nhiên, từ sau Tết đến giờ, anh cũng như nhiều người thu mua gần như tạm dừng mọi hoạt động, do phía Trung Quốc hạn chế thông thương. 

Hiện, ngành nông nghiệp đang cùng các địa phương đẩy mạnh kết nối, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, để nông sản không rơi vào tình trạng phải “giải cứu” khi gặp biến động từ thị trường lớn, giải pháp quan trọng là phải ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tiến tới xuất khẩu theo đơn đặt hàng, từng bước giảm mức độ phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục