Chiêm Hóa: phát triển cây lạc theo hướng hàng hóa đem lại kinh tế cao cho nông dân

Là huyện có diện tích trồng lạc lớn nhất trên địa bàn tỉnh, những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh phát triển cây lạc gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nghiên cứu và đưa các mô hình trồng lạc tiến bộ để người dân mạnh dạn áp dụng, hệ thống thủy lợi, kênh mương, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất lạc được quan tâm, nhờ đó mà cây lạc đã khẳng định được tiềm năng kinh tế, đời sống người nông dân không ngừng được nâng lên.

Với diện tích trung bình hàng năm trên 2.600ha, giá trị sản xuất hàng năm trên 150 tỷ đồng, để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành vùng sản xuất lạc thương phẩm và lạc giống tập trung, có chất lượng tốt, huyện Chiêm Hóa đã triển khai phương án sản xuất lạc giống L14 cấp nguyên chủng để nhân rộng trong sản xuất; xây dựng Đề án phát triển vùng lạc hàng hóa tập trung trong giai đoạn 2017 – 2020; từng bước hình thành các vùng trồng lạc tập trung quy mô lớn ở các xã: Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây lạc, nên sản xuất cây lạc ở các xã đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với thị trường; tăng hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân. 

Cán bộ xã Phúc Sơn kiểm tra, đánh giá năng suất cây lạc vụ xuân.

Phúc Sơn là một trong 9 xã thượng huyện của huyện Chiêm Hóa có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây lạc hàng hóa. Những năm qua xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc thâm canh, đưa các giống lạc có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Để nâng cao năng xuất, sản lượng cây lạc xã đã tập trung các giải pháp, như chỉ đạo bà con nông dân gieo trồng toàn bộ bằng giống lạc L14, mở rộng diện tích trồng lạc che phủ ni lon; duy trì hoạt động của tổ hợp tác sản xuất lạc nhằm tạo thành một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Sơn đã thành lập được một HTX Nông lâm nghiệp và 2 tổ hợp tác để cung ứng vật tư, phân bón và tổ chức thu mua sản phẩm lạc cho nhân dân, từ đó tăng cao giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. 

Tại xã Minh Quang cây lạc cũng phát triển tốt, ít sâu bệnh. 

Thay đổi tập quán canh tác, tạo lập vùng nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mời gọi doanh nghiệp về với nông nghiệp là cách làm, định hướng của huyện Chiêm Hóa. Đây chính là cách làm thiết thực trong việc tham gia vào thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đồng thời giúp Chiêm Hóa phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích trồng lạc trên địa bàn đạt trên 3.000 ha, sản lượng đạt trên 9.800 tấn, giá trị sản xuất chiếm khoảng 16% trong tỷ trọng ngành trồng trọt của huyện. Để chất lượng lạc thương phẩm được đảm bảo và tiêu thụ thuận lợi, ổn định trên thị trường, các địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, bao tiêu lạc thương phẩm bằng hình thức: Cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trước các vụ sản xuất; xây dựng mô hình liên kết trong chuỗi giá trị của cây lạc; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết 4 nhà " Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học và  Doanh nghiệp". 

Việc phát triển cây lạc gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được huyện Chiêm Hóa quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt, từ khi cây lạc Chiêm Hóa được công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2015, thì cây lạc thực sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất cho người nông dân cũng như thực hiện một trong ba khâu đột phá là: Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực” đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI./.

Văn Linh - Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục