Linh Phú phát triển kinh tế rừng

Linh Phú (Chiêm Hóa) đã phát huy lợi thế đất lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng.

Ông Nguyễn Vĩnh Lạc, Chủ tịch UBND xã Linh Phú cho biết, xã có hơn 8.000 ha đất tự nhiên. Trong đó, đất lâm nghiệp gần 5.000 ha, đất rừng sản xuất hơn 4.000, còn lại là rừng phòng hộ. Trước đây, người dân trong xã chưa chú trọng phát triển kinh tế rừng, đất đai chủ yếu trồng ngô, sắn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để ổn định đời sống người dân, xã xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm, đưa một số loại cây có giá trị vào trồng như keo, mỡ, bồ đề.  Phong trào trồng rừng lan tỏa từ năm 2011 khi người dân được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật. Những cánh rừng được nhân rộng, cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi.


Người dân thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chăm sóc rừng trồng. 

Từ rừng, cuộc sống của ông Tái Văn Các, thôn Khuổi Hóp ngày càng khấm khá hơn. Trước đây, gia đình ông trồng 3 ha rừng keo nhưng không quan tâm chăm sóc, năm 2017 khai thác mới chỉ được gần 100 triệu đồng. Những năm gần đây, rừng cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã quan tâm chăm sóc rừng mới trồng như bón phân lót, làm cỏ nên rừng cây phát triển tốt. Khi cây ngoài 5 năm tuổi có thể chặt tỉa những cây nhỏ để bán thu được từ vài chục triệu đồng. Ông Các chia sẻ, trồng cây sắn, cây ngô thì nhanh được thu hoạch nhưng vất vả mà lợi nhuận chẳng là bao. Trồng cây lâm nghiệp, tuy thời gian dài nhưng giá trị kinh tế mang lại lớn hơn nhiều. Hiện gia đình ông Các có hơn 4 ha rừng mỡ đã hơn 11 năm tuổi, đã có nhiều người đến hỏi mua, trả giá đến hơn 300 triệu đồng nhưng ông chưa bán vì theo ông cây càng lâu năm giá trị càng cao.

Thôn Nà Luông có 145 hộ với 644 khẩu chủ yếu là dân tộc thiểu số. Cả thôn có 439,3 ha rừng sản xuất, nhà nào cũng có rừng trồng, nhờ trồng rừng mà hộ nghèo của thôn giảm từ 60 hộ năm 2018 xuống còn 45 hộ hết năm 2019. Nhiều hộ trong thôn xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng trong gia đình, tiêu biểu như gia đình ông Hứa Văn Đức, năm 2018 khai thác 6 ha mỡ thu lãi gần 300 triệu đồng, nhờ đó gia đình có vốn mua máy xúc phục vụ người dân quanh vùng.

Hàng năm, xã khai thác và trồng mới hơn 100 ha rừng; độ che phủ rừng đạt gần 80%. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng. Nhờ phát triển kinh tế rừng, cuộc sống của người dân xã Linh Phú ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo. Hết năm 2019, xã giảm được 65 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31,5%; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục