Chiêm Hóa nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng mía

Trong những năm qua, cây mía đã trở thành một trong những cây công nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Bằng nhiều giải pháp về quy hoạch, hỗ trợ khoa học, công nghệ, giống mới... toàn huyện tiếp tục duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía

 

 


 Người dân thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa) chăm sóc mía nguyên liệu.

 Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, niên vụ trồng mía năm 2015 - 2016, toàn huyện phấn đấu trồng 1.220 ha mía, gồm 500 ha mía trồng mới và 720 ha trồng lại. Đến ngày 10-5 toàn huyện trồng được  gần  830 ha, trong đó 330 ha mía trồng mới, gần 500 ha mía trồng lại, đạt 70% kế hoạch. Đảm bảo nguyên liệu mía cho nhà máy sản xuất, hiện nay huyện Chiêm Hóa đang triển khai nhiều giải pháp góp phần tăng năng suất, chất lượng mía. Trong đó áp dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng phân bón Grow More, loại phân bón hữu cơ sinh học nhập khẩu của Mỹ vào chăm sóc mía. Trên cùng một diện tích đất, chăm sóc như nhau, cây mía sử dụng phân bón Grow More có thể tăng thu nhập cho người trồng mía khoảng 18,1 triệu đồng/ha, giảm 100% lượng đạm urê và kali mà cây vẫn sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất tăng đến 23%. Huyện tuyên truyền vận động nhân dân chủ động nguồn nước tưới, nhất là những nơi có các ao, hồ, sông, suối có điều kiện về nguồn nước thì các hộ trồng mía cần tích cực thực hiện các biện pháp bơm nước, dẫn nước tưới cho mía để cây mía sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với đó, các ngành chức năng của huyện và Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương khuyến khích người trồng mía sử dụng những giống mía có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng như ROC 22, QD 42, VD00236, ROC 16… để thay thế dần các giống mía cũ, năng suất thấp. 

Để phát triển vùng mía nguyên liệu, vừa qua lãnh đạo huyện Chiêm Hóa cùng các phòng ban chuyên môn của huyện và Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã tiến hành khảo sát vùng nguyên liệu mía tại xã Tri Phú và Linh Phú. Tại các điểm khảo sát vùng nguyên liệu mía, đoàn đã trao đổi những khó khăn, thuận lợi trong việc mở rộng diện tích, giải pháp tăng năng suất mía để phát triển thành vùng nguyên liệu mía tập trung, vùng chuyên canh lớn, vừa đem lại lợi ích cho người dân và đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. 

Trong thời gian tới Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Linh Phú, Tri Phú nói riêng và các xã trên địa bàn huyện nói chung tiến hành tập huấn, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh, đưa các loại giống mía có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để từng bước nâng cao sản lượng mía trên cùng một đơn vị diện tích.

Anh Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, niên vụ trồng mía nguyên liệu năm 2015 - 2016 của huyện không đạt kế hoạch, vì vậy bằng các giải pháp huyện phấn đấu đưa năng suất mía đạt 69,1 tấn/ha, tăng hơn 5 tấn/ha so với niên vụ 2014 - 2015. Huyện tiếp tục hướng dẫn người trồng mía thực hiện đầu tư thâm canh toàn diện đối với diện tích trồng mía nguyên liệu theo đúng quy trình kỹ thuật. Huyện coi việc thâm canh cây mía là giải pháp tiên quyết, vừa thiết thực, vừa dễ làm để nâng năng suất mía trung bình lên 80 tấn/ha vào năm 2020, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng mía.     

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục