Những dấu chân xanh

Những câu thơ đầu của bài thơ “Viết về các anh” của tác giả Lê Xuân Tường như nói hộ lòng tôi về sự ngưỡng mộ, nể phục đối với những cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng đang ngày đêm bảo vệ màu xanh của núi rừng nói chung và những cán bộ đang công tác tại Trạm kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn (Chiêm Hóa) nói riêng…

 

“Xin được viết về các anh
Những người bảo vệ rừng xanh
Những người bạn kiểm lâm trìu mến
Quãng đường rừng nào khó khăn, lại đến
Cho đại ngàn yên ả nở hoa...”

Những người lạ… thân quen

Cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn (Chiêm Hóa) xác định phương hướng qua phần mềm Locusmap được cài đặt trên điện thoại.

Còn nhớ, ngày đầu tiên, tôi liên hệ viết về du lịch thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn, cần lên rừng tìm hiểu các hang động đã nhận được sự hỗ trợ của cán bộ kiểm lâm, cán bộ tuần rừng tại chốt kiểm lâm thôn Bản Biến. Khi được biết đây là lần đầu tiên tôi đi rừng, anh nhân viên tuần rừng Hoàng Minh Giang đã chuẩn bị sẵn cho tôi đôi ủng, đèn pin, nước và lựa chọn những đoạn đường rừng ít vất vả nhất để đưa tôi lên đến hang Thẳm Nặm. Anh cũng trở thành người “hướng dẫn viên du lịch” giới thiệu cho tôi và mọi người về những đặc điểm, cấu tạo của hang. Nhờ vậy mà tôi đã có những trải nghiệm, kiến thức phong phú để bài viết của mình thêm sinh động. Trước khi xuất phát, anh còn chu đáo liên lạc với những đồng nghiệp đang đi tuần rừng ở cung đường khác để cố gắng về sớm chuẩn bị cơm trưa. Dù chúng tôi quá trưa mới xuống đến nơi, nhưng ai cũng vui vẻ chờ cơm. Mọi người vẫn trêu tôi rằng nếu không lo cho nhà báo đầy đủ kiểu gì cũng bị khiển trách. Nhưng thực sự không ai nghĩ vậy, bởi qua cái nắm tay giúp tôi vượt qua những đoạn đường rừng khó khăn, qua từng hành động nhỏ không chỉ dành cho tôi mà còn của những người cùng làm với nhau, tôi hiểu, họ thực sự chân thành.

Những lần tiếp xúc dù ngắn ngủi đó đã giúp tôi phần nào hiểu hơn về công việc của các anh. Công việc lặng thầm nhưng cao quý và đầy trách nhiệm. Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn có 4 chốt bảo vệ rừng là: Chốt Biến, chốt Bãi Chò, chốt Hang Khỉ và chốt Nặm Tặc. Trong đó, chốt Hang Khỉ là chốt xa và đi lại khó khăn nhất, có độ cao 976 m so với mực nước biển. Anh Triệu Văn Lương, cán bộ của trạm tâm sự, mỗi lần lên chốt Hang Khỉ, các anh phải đi mất 4-5 tiếng, đấy là không kể những hôm trời mưa, đường khó đi sẽ phải mất nhiều thời gian hơn. Chốt nằm ở trong rừng sâu, sóng điện thoại chập chờn, lắm muỗi, nhiều vắt… Mỗi phiên trực kéo dài 5 ngày, vì vậy, mỗi lần lên trực chốt có 2 người, mọi người phải gùi lương thực, thuốc men và tính toán sao cho đủ dùng trong thời gian đó. Ở trên chốt, ngoài thực phẩm dự trữ mang đi, các anh còn trồng được rau xanh để phục vụ nhu cầu hàng ngày. Tuy thiếu thốn, khó khăn, nhưng ai nấy đều lạc quan và cống hiến hết mình cho công việc. Chế độ đối với nhân viên tuần rừng hiện nay cũng đã được Nhà nước quan tâm, chăm lo hơn... Hiện nay, ngoài mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, nhân viên tuần rừng còn được đóng BHXH, hỗ trợ tiền ăn 50 nghìn đồng/ngày, thứ 7, chủ nhật được hỗ trợ gấp đôi. Tuy nhiên, với khối lượng công việc và những khó khăn, vất vả với nghề, chỉ những ai thực sự yêu rừng mới có thể bám trụ được.

Cho đại ngàn mãi xanh

Cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn (Chiêm Hóa) tuần rừng tại thôn Bản Biến.

Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn có nhiệm vụ bảo vệ hơn 9 nghìn ha rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Phúc Sơn và xã Minh Quang. Với tổng số 22 cán bộ gồm kiểm lâm viên, nhân viên tuần rừng, trung bình mỗi người phải gánh trên vai gần 500 ha rừng. Anh Cao Thế Duẩn, Trưởng trạm Kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn cho biết, vượt qua những khó khăn trong công việc, cán bộ kiểm lâm, cán bộ tuần rừng phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện thực hiện chốt chặn tại các cửa rừng. Đồng thời, tăng cường việc kiểm soát các phương tiện ra vào, đảm bảo cán bộ kiểm lâm cùng nhân viên tuần rừng túc trực 24/24 giờ trong vùng lõi của khu rừng nghiến, không để bất kỳ cây gỗ quý nào bị chặt hạ. Mỗi tháng, cán bộ, nhân viên của Trạm  thực hiện 28 - 30 lượt tuần rừng, đảm bảo kết quả công việc tốt nhất.

Anh Duẩn cũng tâm sự, công việc của các anh luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định, ngoài việc tự bảo vệ mình trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, còn phải đảm bảo an toàn đúng chặng, đúng phương hướng. Trước đây, mỗi lần đi rừng các anh đều sử dụng bản đồ bằng giấy để xác định các cung đường. Bản thân anh cũng đã từng bị lạc hơn 10 tiếng đồng hồ trong rừng khi không thể định vị được phương hướng. Chính vì vậy khi phần mềm LOCUSMAP (phần mềm vẽ, định vị tuyến đường) được đưa vào sử dụng, người ở trạm có thể định vị được vị trí hiện tại của mỗi cán bộ khi tuần rừng cũng đã phần nào khắc phục được khó khăn trong việc xác định phương hướng và quản lý tuyến đường đã đi trong tháng. 

Tuy nhiên, công việc của các anh không chỉ đơn thuần là tuần rừng mỗi ngày. Có những thời điểm nhạy cảm, bất kể ngày đêm, mưa nắng, những cán bộ kiểm lâm, cán bộ tuần rừng sẵn sàng túc trực ngăn chặn những hành vi phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép. Anh Tho Văn Nghiêm, cán bộ tuần rừng gắn bó với nghề hơn 6 năm chia sẻ, còn nhớ ngày mới vào nghề, anh được phân công trực chốt và thay phiên nhau lên chốt Hang Khỉ. Hơn 6 năm qua, những kỷ niệm về nghề không thể kể hết được, nhưng anh nhớ nhất ngày đầu được tham gia rình bắt các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép. Anh cùng mọi người nằm vùng từ tờ mờ sáng hôm trước đến tận đêm hôm sau, chỉ ăn lương khô và uống nước chống đói. Vậy mà khi thấy xe chở gỗ lậu đến, ai cũng nhanh thoăn thoắt, phối hợp nhịp nhàng thu được tang vật và không để đối tượng nào chạy thoát. 

Chia tay các anh tại Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phúc Sơn sau bữa cơm trưa muộn, tôi vẫn còn lưu luyến mãi. Và tôi tin, nơi nào có dấu chân các anh đi qua, nơi ấy “yên ả nở hoa”… và các anh sẽ mãi là những cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng đầy nhiệt huyết, trách nhiệm với rừng.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục