Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN và PTNT), tính đến ngày 3-3-2019, dịch tả lợn châu Phi (ASF) xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Dịch tả ASF đã khiến 4.231 con lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy, gây tổn thất hàng chục tỷ đồng. Trước đó, ngày 20-02-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-02-2019, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 438/UBND-NLN chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, các ngành, cơ quan chức năng, đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 2839 ngày 19/9/2018, tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn.

Phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Cục Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan thú y; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; thực hiện đầy đủ quy trình phòng bệnh, vệ sinh, khử trùng chuồng trại hàng ngày, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, nghi mắc bệnh phải báo cáo kịp thời và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm trước khi tiến hành tiêu hủy theo quy định.

UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nghiêm cấm vứt xác lợn chết ra môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh động vật. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh khi có ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan rộng; nghiêm cấm không được giấu dịch. Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn, không có nguồn gốc vào địa bàn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi cơ sở giết mổ lợn; quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn và yêu cầu không mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở cơ sở. 

Các sở: Công Thương, Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh, căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền và các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục