Đất khó chuyển mình

Thôn Nà Coòng, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) có 74 hộ đồng bào Dao. Công cuộc giảm nghèo ở đây còn khá vất vả, khi còn đến 40 hộ nghèo. Song 2 - 3 năm trở lại đây, việc vận động người Dao Nà Coòng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có những bước thay đổi đáng kể.

Đa dạng hóa cây trồng

Anh Triệu Tiến Tuy, Trưởng thôn Nà Coòng khẳng định: Đa dạng hóa cây trồng, tìm ra loại cây, con thích hợp thì cái nghèo sẽ được đẩy lùi. Cây đầu tiên được người Dao Nà Coòng đưa về trồng là tre mai - đây là giống cây đã có ở Nà Coòng từ lâu đời. Lâu nay, cứ đến mùa măng tre, người dân Nà Coòng lại lên rừng đào măng về phơi làm măng khô.

Trước nguy cơ mất rừng, lại được cán bộ hướng dẫn, người đầu tiên đưa cây tre mai về trồng gần nhà là ông Triệu Tiến Cương. Hợp đất, măng mọc. Những gốc tre mai dần được đưa về trồng gần nhà hơn, giờ cả thôn đã có hơn 5 ha tre mai, đến mùa măng, người dân vẫn có món đặc sản là măng khô, mà lại giữ được rừng. 

Cùng với tre mai, hơn 10 ha chuối cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho người Dao nơi đây. Anh Triệu Tiến Tuy bảo, cây chuối về với đất Nà Coòng cũng đã hơn chục năm nay rồi, giờ nhà ít trồng vài sào, nhà nhiều có tới vài ha, giá mỗi kg chuối giờ được từ 6 - 7 nghìn đồng. Nhà ít mỗi vụ cũng được dăm bảy triệu đồng, nhiều lên đến hai ba chục triệu đồng là chuyện thường. 

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra đàn gà giống của gia đình chị Bàn Thị Chu. 

Khởi động mô hình liên kết

Nà Coòng có diện tích đất đồi rộng, phù hợp cho chăn nuôi tự nhiên. Từ lợi thế này, cán bộ khuyến nông huyện, xã đã khuyến khích người dân tập trung chăn nuôi lợn, gà theo quy mô gia trại. 

Theo ông Hà Quang Mai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa, vận động được người dân không phá nương làm rẫy, trồng cây là việc khó, vận động bà con đầu tư chăn nuôi quy mô lớn lại càng khó hơn. Bởi lẽ, chi phí đầu tư cho việc chăn nuôi một lứa là tương đối lớn, có khi lên đến vài chục triệu đồng.

Cách làm của cán bộ cắm bản ở đây là lấy kết quả để vận động, vì đối với đồng bào Dao nơi đây, không gì dễ vận động, khuyến khích họ làm theo dễ bằng có kết quả để làm chứng. Hộ đầu tiên chăn nuôi thành công là ông Triệu Tiến Mạnh, giờ đã dựng được nếp nhà đẹp, xây được chuồng trại chăn nuôi có quy mô.

Ông Mạnh bảo, lúc mới được cán bộ khuyến nông đến vận động chuyển đổi từ cây sang con, gia đình cũng lo lắm. Nhưng cứ làm thôi, vì ngoài cái “máu liều”, mình được cán bộ hướng dẫn đầy đủ, từ cách chăm sóc, phòng bệnh đến dinh dưỡng cho đàn. Giờ nhà mình có hơn 40 con lợn đen, bò, hơn 1.000 con gà thịt, mỗi lứa xuất chuồng cả lợn cả gà cũng có đôi ba chục triệu đồng. 

Giờ ở thôn đã có hơn chục hộ chăn nuôi gà, lợn quy mô lớn, như hộ chị Bàn Thị Duyên, hộ anh Triệu Phúc Long nuôi mỗi lứa từ 50 - 70 con lợn, hộ anh Đặng Văn Phương, chị Đặng Thị Xuân... nuôi mỗi lứa hơn 1.000 con gà thịt. Chị Xuân cho hay, nhà mình nuôi gà quy mô từ 1.000 con trở lên như này đã gần 3 năm nay rồi, mỗi lứa trừ chi phí cũng lãi từ 20 đến 30 triệu đồng. 

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty TNHH Sao Việt hỗ trợ Nà Coòng 2.500 con gà giống. Anh Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt chi nhánh Chiêm Hóa cam kết, phía Sao Việt sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi nơi đây theo đúng giá trị trường, đồng thời hỗ trợ toàn bộ kỹ thuật chăm sóc, dịch vụ thú y cho người nuôi. 

Chị Bàn Thị Chu, hộ vừa được hỗ trợ 1.000 con gà giống phấn khởi, được Công ty Sao Việt cho con giống, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, giờ việc của mình là chỉ chăm cho đàn gà lớn nhanh thôi! 

Việc bắt tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp với người dân đã được khởi động, trở thành điểm tựa để người Dao nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Hay như cách ví von của Trưởng thôn Nà Coòng Triệu Tiến Tuy: “Có thuyền có nước thì sẽ có cá!”.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục