Chiêm Hóa tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng báo cáo kết thúc Dự án TNSP

Sáng ngày 22/11, UBND huyện Chiêm Hóa đã tổ chức Hội nghị tham gia góp ý xây dựng báo cáo kết thúc Dự án TNSP giai đoạn 2011 - 2016. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Ma Văn Long, Uỷ viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Ban Điều phối Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang; Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Chiêm Hóa; lãnh đạo các cơ quan đơn vị; Công ty TNHH Sao Việt; Công ty TNHH Hà Dương; lãnh đạo UBNDcác xã, Ban phát triển các xã thực hiện dự án cùng đại diện tổ hợp tác chăn nuôi, các nhóm tiết kiệm - tín dụng phụ nữ.

Các đại biểu dự hội nghị  tham gia góp ý xây dựng báo cáo kết thúc Dự án TNSP giai đoạn 2011 - 2016.

Trong 5 năm thực hiện, Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang do Qũy phát triển Nông nghiệp quốc tế IFAD tài trợ đã triển khai thực hiện tại  14 xã  với hơn 14 nghìn hộ tham gia, trong đó có trên 10 nghìn hộ nghèo. Dự án đã hỗ trợ thành lập 96 tổ hợp tác chăn nuôi và trồng trọt, tập trung và nâng cao năng lực quản lý, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường, được thảo luận cơ chế hợp tác với doanh nghiệp, từ đó đã làm thay đổi hình thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún liên kết thành tổ nhóm có sự gắn chặt với thị trường theo hướng bền vững, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về thay đổi hình thức sản xuất.

Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, một số mô hình điển hình như trồng, thâm canh giống lạc L14 chọn lọc đã giúp cho nông dân nâng cao năng suất lên cao hơn so với giống lạc L14 cũ 4 tạ/ha, mô hình nhân rộng máy chế biến thức ăn đa năng trong chăn nuôi giúp tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản, thức ăn thô xanh, phế phụ phẩm có sẵn tại địa phương, làm giảm chi phí trong chăn nuôi như lợn thịt giảm hơn 31%, gà thịt giảm 22%, vịt thịt giảm 16%. Thực hiện phát triển chuỗi lạc, chuỗi lợn, dự án đã tổ chức mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tập huấn về thông tin thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng hợp đồng mua bán cho Ban phát triển xã, thôn, tổ hợp tác với trên 16 nghìn lượt người tham gia. Cơ sở hạ tầng cho sản xuất được cải thiện, với 460 công trình, nhà kho, sân phơi, chuồng trại và nhà xưởng, hỗ trợ mở mới, nâng cấp 165 công trình đường giao thông và kiên cố hóa kênh mương với trên 50km. Từ đó, giúp người dân có sự thay đổi rõ rệt trong quá trình thực hành chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật làm chuồng, kỹ thuật chăm sóc và xử lý môi trường trong chăn nuôi, phòng trừ dịch hại đối với cây trồng. Những hoạt động của dự án đã có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tận dụng được nguồn lợi đất đai, nguyên liệu vốn, lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống, đồng thời tạo tiền đề mở ra cách làm ăn mới, hướng sản xuất tới thị trường.

Đồng chí Ma Văn Long, Uỷ viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Ma Văn Long đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình triển khai dự án, đồng thời đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Chiêm Hóa (DASU) và các đơn vị thực thi căn cứ chức năng, nhiệm vụ thu thập số liệu để cung cấp đầy đủ, kịp thời phục vụ cho việc hoàn chỉnh báo cáo. Tiếp tục hỗ trợ cấp xã và các tổ nhóm duy trì hoạt động, nhằm đảm bảo tính bền vững của tổ nhóm theo chức năng nhiệp vụ của chiến lược kết thúc dự án đã ban hành. Ban phát triển các xã phối hợp tuyên truyền vận động và hỗ trợ để các tổ nhóm và các thành viên hoạt động thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục liên kết 2 chiều với các tổ nhóm, cùng với người dân xây dựng kế hoạch, bàn bạc phương án sản xuất cho phù hợp với thị trường. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung hoạt động của dự án, đặc biệt các nội dung được đánh giá thành công cần phải tuyên truyền một cách có hệ thống trong các giai đoạn.

Với sự hỗ trợ về nguồn lực của Tổ chức nông nghiệp quốc tế IFAD, trong 5 năm triển khai thực hiện dự an TNSP tại huyện Chiêm Hóa, hoạt động của dự án đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Qua đó khuyến khích được sự tham gia của các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số vào các hoạt động phát triển kinh tế, thông qua các hợp phần của dự án đã góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Văn Linh

Tin cùng chuyên mục