Nhớ mùa trái ngọt

Khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, cây quýt đỏ đã xuất hiện ở xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa). Những trái quả đỏ rực, sai lúc lỉu không chỉ là thức quà đặc sắc của người dân nơi đây mà nó còn chạm đến trái tim nghệ sỹ, đi vào thơ ca. Năm tháng qua đi, dù quýt đỏ không còn nhiều nhưng vẫn giữ nguyên hương vị thơm ngon. Loại quả này nếu được nhân rộng sẽ trở thành đặc sản, mở hướng làm giàu cho người dân.

Hương vị quê hương

Đi qua hơn 1 km đường đất nhỏ, gập gềnh, tôi được cán bộ khuyến nông xã đưa đến nhà ông Nguyễn Trung Kiên, thôn Bắc Ngõa, người đã từng được mệnh danh là “vua quýt đỏ” khi xưa. Qua lời giới thiệu ngắn gọn, ông hào hứng kể về cây quýt đỏ một thời làm nao lòng thực khách. Gia đình ông bén duyên với cây quýt đỏ từ năm 1980, ngày đó ông trồng hơn 4 ha giống cây này.

Ông Nguyễn Văn Kiên, thôn Bắc Ngõa, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) chăm sóc vườn quýt đỏ của gia đình.

Cứ đến độ tháng 10, 11 âm lịch, quýt chín đỏ rực. Khi ấy, vườn quýt như có người họa sỹ tài ba vẽ nên bức tranh đặc sắc. Từ xưa, loại quýt này đã đi vào thơ Tố Hữu: Quýt nhà ai đỏ chín cây/Hỡi em đi học hây hây má hồng/Nhà em mấy tổ trong thôn/Ríu ra ríu rít chim non đầu cành. Một thời, gia đình ông Kiên đã có của ăn của để từ loại quả này. Mỗi cây quýt đỏ cho thu hoạch hơn 1 tạ/vụ, ông thu về cả trăm triệu đồng. Nhờ vậy mà ông xây được nhà, nuôi được con cái ăn học nên người. Ông Kiên nhớ lại, mỗi lần vườn quýt bị sâu đục thân, gia đình ông phải lấy xi lanh, bơm thuốc vào từng lỗ sâu đục trên thân cây để diệt trừ sâu. Công việc chăm sóc tuy vất vả nhưng nhìn những cây quýt trĩu cành là động lực giúp ông và gia đình thêm gắn bó với loại cây này.

Nhưng nét mặt ông Kiên trở nên buồn bã khi cây quýt không còn được như trước, cảm giác nuối tiếc ngập tràn trong ánh mắt ông, bởi thời hoàng kim của quýt đỏ giờ đã lùi vào quá khứ. Ông bảo, ngoài gia đình ông giờ tìm mỏi mắt trong xã chỉ còn được vài cây. Nhưng dù không được chăm sóc thì những cây quýt đỏ vẫn cứ mạnh mẽ sống, ra hoa kết trái theo bản năng sinh tồn. Những năm trở lại đây, tuổi đã cao ông không còn khả năng chăm sóc vườn quýt nên đã giao lại công việc cho các con để nghỉ ngơi. Các con ông vì tập trung phát triển kinh tế theo hướng khác, không có điều kiện chăm sóc, cây quýt không còn giữ được chất lượng và sản lượng như trước. Hiện nay, gia đình ông chỉ còn khoảng hơn 30 gốc quýt đỏ. 

Chia tay ông Kiên, chúng tôi tìm đến gia đình bà Vũ Thị Nhinh, thôn Nà Ngà khi được biết bà đang có ý định trồng lại giống quýt đỏ. Bà Nhinh chia sẻ, nhớ thời hoàng kim của cây quýt đỏ, cứ đến mùa thu hoạch đầu mối đến tận vườn thu mua tấp nập. Gia đình bà cũng có của ăn, của để từ hơn 2 ha trồng quýt. Sau này, đất đai được bố mẹ chia cho các anh chị em, mỗi người đi theo hướng làm giàu riêng nên cây quýt không còn được chú ý. Cây quýt cứ chết dần, diện tích trồng quýt ngày càng thu hẹp, đến nay gia đình bà cũng chỉ còn giữ lại 2 gốc quýt phục vụ gia đình chứ không mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng ký ức về một loại cây quý vẫn luôn khiến bà day dứt. Quả quýt đỏ ở Ngọc Hội khi chín có mùi thơm dễ chịu, căng mọng nước và ngọt đậm đà đã trở thành thức quà ngon cho trẻ nhỏ hay mỗi khi nhà có khách quý. Vì vậy, bà Nhinh đang tiến hành ươm, ghép giống quýt đỏ, chuẩn bị đất để nhân rộng diện tích. Bà hy vọng, loại quả ngon của quê hương sẽ được nhân rộng. 

Khôi phục giống quýt quý hiếm

Chúng tôi được ông Kiên dẫn đi thăm những cây quýt còn sót lại tại vườn rừng nhà mình. Những cây quýt một thời “vang bóng” giờ lẻ loi trong um tùm cây dại. Sức khỏe, tuổi già khiến ông Kiên như bất lực trước những khát khao khôi phục lại giống quýt này. Ông bảo, nhìn đám quýt lụi tàn đi mỗi ngày, lòng đau lắm. Cần khôi phục lại giống quả ngon để người dân làm giàu trên đất đai của mình, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp hàng hóa của địa phương.

Tôi mang nỗi niềm của ông Kiên đến với lãnh đạo xã. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội khẳng định, giống quýt đỏ của địa phương đang dần bị mai một. Khoảng chục năm về trước, người dân nơi đây rủ nhau đi đào vàng mà không chú trọng đến việc phát triển giống cây quý này. Vì thế, những gốc quýt không được chăm sóc cẩn thận đã không phát triển, không còn giá trị kinh tế, dần dần người ta cũng chặt bỏ để sử dụng đất vào những mục đích khác. Toàn xã hiện chỉ còn rải rác hơn 50 gốc quýt đỏ. Đây là giống quýt quý hiếm, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, do đó UBND xã Ngọc Hội đang từng bước tiến hành việc khôi phục lại giống quýt này. 

Tháng 6-2016, UBND xã đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu và làm văn bản gửi UBND huyện cùng các phòng chức năng đề nghị nghiên cứu, bảo tồn giống quýt đỏ. Cùng với đó, cán bộ khuyến nông đã đến tận nhà những gia đình còn trồng quýt động viên bà con bảo tồn và nhân rộng diện tích trồng. Trước đây, năng suất mỗi cây quýt đỏ đạt từ 1 tạ đến 1,3 tạ/vụ. Các thành phần dinh dưỡng trong quýt giúp điều hòa chức năng trao đổi chất trong cơ thể, đặc biệt là người già mắc bệnh tim mạch, chống lại sự phát triển của u bướu… Chính vì giá trị dinh dưỡng cao mà năm 2005, quýt đỏ Ngọc Hội đã được xếp vào danh mục 124 sản phẩm họ cam, chanh có nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hy vọng trong tương lai không xa, với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cây quýt đỏ Ngọc Hội sẽ được nhân rộng, trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người dân.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục