Đứng vững trên đôi chân tật nguyền

Ở thôn Lăng Quăng xã Tri Phú huyện Chiêm Hóa, Hoàng Văn Lịch được biết đến như một triệu phú gốc cây. Những gốc cây to nhỏ, xù xì, thô mộc được vận chuyển về từ những đồi nương xa tít tắp, được Lịch “nắn vuốt” thành những sản phẩm điêu khắc có giá trị. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng con đường lập nghiệp đầy gian truân của chàng trai khuyết tật  thì chẳng mấy ai biết đến...
Video không hợp lệ

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó đông con ở thôn Lăng Quăng xã Tri Phú, Lịch vẫn còn nhớ như in những tháng năm tuổi thơ phải vật lộn với bệnh tật. Năm lên học lớp 3, những đốt ngón chân của anh bỗng nhiên bị đau nhức, sưng tấy. Những cơn đau cứ nối tiếp, bố mẹ lo lắng đưa anh đi thầy lang chữa trị. Bệnh tật mỗi ngày một nặng hơn, bố mẹ anh phải bán hết cả đàn trâu để có tiền đưa Lịch đi chữa bệnh. Hết bệnh viện này, thầy lang kia nhưng đôi của Lịch vẫn teo tóp. Và từ năm 16 tuổi, đôi chân của Lịch hoàn toàn bất động, mọi sinh hoạt anh phải nhờ vào chiếc xe lăn. Trải qua nhiều nghề như đan cót, vẽ tranh, săm hình nghệ thuật hay cắt tóc đều do ông trời bù đắp cho anh đôi bàn tay khéo léo sau khi đã cướp đi đôi chân lành lặn. Nhưng chàng thanh niên tật nguyền này không muốn dừng lại ở những gì mình đã làm được. Năm 2012, anh được mọi người giới thiệu đến học nghề chạm khắc gỗ của anh Lương Văn Lạc ở xã Yên Nguyên huyện Chiêm Hóa và được anh Lạc giúp đỡ tận tình. Biết Lịch có mong ước về nhà mở xưởng sản xuất riêng, anh Lạc ủng hộ ngay, anh còn hỗ trợ Lịch 10 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị sản xuất. Lịch cho biết, lúc mới vào nghề sản phẩm làm ra dẫu có rất đẹp nhưng không đúng với tích chuyện, khách cũng không mua. Công việc khá vất vả trong khi sức khỏe  có hạn, có hôm làm quá sức, thân thể đau nhức, anh không sao ngủ được, nước mắt cứ trào ra. Anh lại lấy sách ra đọc, tìm hiểu các tích chuyện cổ để chạm khắc theo tích chuyện ấy. Trạm khắc gỗ là một nghề khó, ngoài năng khiếu hội họa,tạo hình đòi hỏi phải được học hành bài bản. 

Anh Hoàng Văn Lịch thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú bên tác phẩm nghệ thuật của mình.

Những thanh âm của tiếng đục, mùi hương của gỗ cứ cuốn lấy chàng trai khuyết tật. Các công đoạn từ lên mẫu, chạm khắc, trang trí, tất cả chỉ một mình anh làm. Tay nghề ngày càng nâng cao, anh làm ra những tác phẩm mềm mại, có chiều sâu. Tiếng tăm của Lịch lan khắp các miền quê trong và ngoài tỉnh. Khách hàng ở Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Kạn, thành phố Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh tìm đến đặt hàng mỗi ngày một đông, việc làm không xuể, mang lại cho anh nguồn thu nhập khá. Tiền công trạm khắc gỗ vẽ tranh cắt tóc sau nhiều năm dành dụm anh đã xây dựng được ngôi nhà nhỏ để ổn định cuộc sống. 

Dù không có được một cơ thể lành lặn, đẹp đẽ nhưng niềm đam mê, khát khao làm đẹp cho đời, cho người lại luôn cháy bỏng trong tim chàng trai trẻ này. Với những gì đã và đang làm, chàng trai Hoàng Văn Lịch sẽ mãi luôn đứng vững trên đôi chân tật nguyền./. 

 

Ngọc Hiển - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục