Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa triển khai kỹ thuật tán sỏi thận ngoài cơ thể

Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa vừa triển khai kỹ thuật tán sỏi thận ngoài cơ thể, góp phần hoàn thiện các quy trình trong điều trị sỏi thận tại bệnh viện. Từ đó, tạo điều kiện cho bệnh nhân trong việc khám và điều trị, giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Sỏi thận là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận ở người bệnh. Có nhiều phương pháp để chữa trị sỏi thận như: Uống thuốc nam, mổ nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể… Riêng đối với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, bệnh nhân có sỏi nằm ở thận với tính chất sỏi xốp, kích thước dưới 2 cm thì áp dụng được phương pháp chữa trị này. Với ưu điểm ít đau, chi phí điều trị hợp lý (mỗi ca tán sỏi chi phí 2,5 triệu đồng), không mất thời gian nằm viện, phương pháp này đang được nhiều bệnh nhân lựa chọn. 

Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp tán sỏi thận ngoài cơ thể tại
Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa.

Nắm bắt được nhu cầu của người bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa đã đưa kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể vào điều trị tại bệnh viện. Bác sỹ Ma Công Thủy, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện, người trực tiếp khám và điều trị cho biết, mỗi phương pháp chữa bệnh đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, qua quá trình thăm khám, bác sỹ sẽ tư vấn cho bệnh nhân phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị từ 3 - 4 bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị tán sỏi thận ngoài cơ thể. Các bệnh nhân sau khi điều trị, tình hình sức khỏe ổn định và được hẹn khám lại sau 1 tháng. 

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể có ưu điểm là không có vết mổ, đảm bảo tính thẩm mỹ, thời gian hồi phục nhanh, tỷ lệ tai biến thấp, có thể lấy được sỏi ở những vị trí khó. Vì vậy, dù mới triển khai nhưng nhiều bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp này. Bà Phạm Thị Thiển, thôn Nà Bay, xã Ngọc Hội chia sẻ, bà bị đau khoảng 2 tháng trở lại đây. Sau khi được các bác sỹ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị mới bà thấy phù hợp với tình trạng bệnh của mình nên đồng ý thực hiện. Với kích thước sỏi 1,6 mm bà chỉ phải điều trị tán sỏi 1 lần. Sau khi tán sỏi, bà chỉ thấy đau nhẹ vùng lưng nhưng không cần sử dụng thuốc. Bà được bác sỹ dặn mỗi ngày uống từ 2-3 lít nước, các mảnh sỏi sẽ được đào thải qua đường nước tiểu. Hiện nay, bà thấy sức khỏe đã ổn định hơn trước rất nhiều.  

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện, với mong muốn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, bệnh viện đã huy động nguồn lực xã hội hóa, đầu tư 1 tỷ đồng mua máy tán sỏi thận và đưa kỹ thuật tán sỏi thận ngoài cơ thể vào điều trị từ đầu tháng 6. Hiện tại, bệnh viện đã áp dụng đầy đủ các phương pháp và đây là cơ hội để bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận có những lựa chọn tốt nhất trong việc chữa trị. Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa huyện sẽ tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới như: Tầm soát, phát hiện sớm ung thư; khám, sàng lọc trước sinh… để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn cũng như các huyện lân cận.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục