Khúc ca về Yên Nguyên

Yên Nguyên là xã cửa ngõ của huyện Chiêm Hóa - nơi có người Anh hùng thủy lợi Bàn Hồng Tiên, dân tộc Dao tiền. Ông là người Tuyên Quang đầu tiên được phong Anh hùng Lao động. Trước kia, ông Bàn Hồng Tiên đã nhận ra rằng, định canh định cư là con đường thoát cảnh đói nghèo, từ đó ông vận động bà con người Dao ở động Loong Coong dưới chân núi Quạt định cư ở đất Đồng Vàng. Ở đấy nguyên bản đã có cánh đồng, nhưng chỉ cày cấy được vào những năm mưa thuận, thành ra nhiều năm đất bị bỏ hoang, nên còn có tên là đồng Hoang.

Cánh đồng nằm bên con suối Cả, đổ ra ngòi Nhụng, bốn mùa nước chảy, ông Tiên đêm ngày suy nghĩ dẫn nước tưới cho đồng Hoang. Chỉ có cách cổ truyền là làm mương dẫn, nhưng làm thế nào đưa nước lên độ cao để nó tự chảy mà không cần đến máy bơm. Tất nhiên phải đắp đập, rồi tính toán đập cao bao nhiêu, mặt nước trên đập cao bao nhiêu, đáy mương sâu ít nhất là bao nhiêu thì nước chảy. Ông mày mò chế ra dụng cụ lấy thăng bằng với một dây ống tiêm gắn vào thước gỗ. Bằng dụng cụ thô sơ nhưng bảo đảm tính khoa học ông đã thiết kế đập, tuyến mương, chỉ huy bà con hợp tác xã đắp đập đào mương. Kết quả dẫn được nước về đồng, từ đấy đồng Hoang một năm cấy được hai vụ lúa, diện tích cánh đồng được khai phá mở rộng thêm...


Tác giả trẻ Phan Vũ Anh.

Năm 1993, sinh viên Phan Vũ Anh, nhà ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang nay là Đại học Tân Trào về Yên Nguyên dạy học môn Toán. Ông Bàn Hồng Tiên tuổi lúc đó đã ngoài 80 nhưng vẫn còn mạnh khỏe, da dẻ hồng hào lắm. Phan Vũ Anh có chơi cùng với con, cháu của ông Tiên nên anh được tiếp xúc với ông khá nhiều lần, được nghe ông kể về những ngày đầu đưa người Dao xuống núi và vì sao ông được gọi là "Ông Tiên trên cánh đồng Vàng". Phan Vũ Anh dạy học ở trường THCS Yên Nguyên từ năm 1993 đến năm 1997 thì chuyển về trường Bồi dưỡng Giáo dục huyện Chiêm Hóa, sau đó chuyển công tác đi nhiều địa bàn khác trong huyện. Những kỷ niệm về Anh hùng Bàn Hồng Tiên vẫn mãi theo Phan Vũ Anh bởi người anh hùng ấy rất giản dị, dễ gần.

Từ tình cảm đó, năm 2019 Phan Vũ Anh đã viết nên ca khúc “Yên Nguyên vang khúc hát dựng xây”. Bài hát tập trung nói về công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Yên Nguyên. Hình ảnh của người anh hùng giản dị đã được mở đầu cho ca khúc như chính ông đã mở đường cho người Dao ở Yên Nguyên vậy: “Yên Nguyên quê tôi có người Anh hùng/Bàn Hồng Tiên đưa người Dao xuống núi/Xây dựng kênh mương đắp đập ngăn suối/Đưa con nước đi tưới Đồng Vàng”.

Ca khúc đã phần nào nói lên được công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã: “Yên Nguyên hôm nay theo lời Đảng gọi/Toàn dân hăng say xây dựng nông thôn mới/Đây đường bê tông nối dài thôn xóm/Tiếng máy reo vui trên cánh đồng”. Tác phẩm còn nói lên cảm xúc của tác giả gửi gắm sự tin tưởng đến bà con nhân dân và các lớp học trò của mình tại xã: “Hai mươi thôn là hai mươi đóa hoa dâng lên Đảng Bác/Mười hai dân tộc anh em đoàn kết xây dựng quê hương/Yên Nguyên quê tôi quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Ca khúc “Yên Nguyên vang khúc hát dựng xây” tuy chưa được hòa âm phối khí trau chuốt, tuy nhiên, khi ca khúc được tác giả đưa lên facebook, Youtube đã nhận được nhiều khen ngợi từ thính giả, công chúng. Hiện nay, tác giả Phan Vũ Anh đang là hội viên Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và hội viên Câu lạc bộ thơ Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa. Phan Vũ Anh đã có nhiều ca khúc được phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang, gồm: Người thầy vùng cao, Cây cọn nước quê hương, Về đi anh. Hay những ca khúc được hát ở trường học như: Niềm vui ngày khai trường, Cô giáo vùng cao, Cò con đi học, Bay tới ngân hà, Người lái đò thầm lặng, Bàn tay dâng mật ngọt cho đời.

Ca khúc "Yên Nguyên vang khúc hát dựng xây" đã nói lên tình cảm của tác giả đối với mảnh đất và con người nơi đây. Đó là những người luôn giản dị, nhưng cũng rất hăng say, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của quê hương.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục