Thước đo sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới

Để người dân thực sự hài lòng trong xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là “thước đo” hiệu quả, bởi thực chất xây dựng nông thôn mới trước hết là vì người dân.
 

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh kiểm tra việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân
về kết quả xây dựng nông thôn mới tại xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa)

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, căn cứ Quyết định 2540/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có một nội dung quan trọng là việc tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới do MTTQ chủ trì thực hiện. Kết quả lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân là một trong những điều kiện để tỉnh xem xét quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, xã trong tỉnh. Từ năm 2017, các xã về đích nông thôn mới đã được tiến hành lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo đó, mẫu phiếu đánh giá gồm 17 câu hỏi, trong đó có 13 câu hỏi trực tiếp liên quan đến 19 tiêu chí nông thôn mới, 3 câu hỏi về cảm nhận của mỗi người dân về vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, việc vận động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; 1 câu hỏi về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Kết quả của việc đánh giá phải được thực hiện trên 60% đại diện số hộ ở các khu dân cư tham gia và chỉ được công nhận khi có hơn 80% số người được hỏi trả lời hài lòng ở 16 câu hỏi; riêng câu hỏi số 17 về kết quả chung xây dựng nông thôn mới phải có từ 90% số người được hỏi trả lời hài lòng trở lên. Với cách làm này, kết quả xây dựng nông thôn mới sẽ được cộng đồng dân cư tham gia, đánh giá và cho ý kiến về mức độ hài lòng. 

Trong năm 2018, toàn tỉnh có 7 xã phấn đấu về đích nông thôn mới. Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, kết quả lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân tại 7 xã về đích nông thôn mới của tỉnh năm 2018 đạt tỷ lệ cao, đảm bảo được yêu cầu. Quá trình lấy phiếu đánh giá ở 7 xã về đích nông thôn mới năm 2018 cũng ghi nhận ở một số nội dung sự hài lòng của người dân đạt tỷ lệ chưa cao, như: Hệ thống tưới, tiêu phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai; việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân; kết quả xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường ở địa phương và ý thức tham gia của người dân…

Bà Lê Thị Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết: Hết năm 2018, xã Phúc Thịnh đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quy trình lấy ý kiến được thực hiện sau khi tổ thẩm tra của huyện hoàn thành việc thẩm tra kết quả đánh giá hoàn thiện 19 tiêu chí của các địa phương. Quá trình lấy phiếu đánh giá của người dân được tiến hành ở khu dân cư do Ban công tác mặt trận chủ trì với các thành viên và trưởng thôn thực hiện. Kết quả lấy phiếu đánh giá, tỷ lệ hài lòng của người dân trong xã đều đạt ở mức cao. 

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Minh Tân, việc lấy ý kiến người dân cũng là dịp để chính quyền địa phương, ngành chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, từ đó có kế hoạch phù hợp trong thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục